Nhiều điểm phi lý trong hồ sơ mời thầu của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Trường Giang| 23/08/2019 08:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phản ánh đến Báo Công lý, doanh nghiệp cho rằng những yêu cầu mà Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra trong gói thầu thiết bị giáo dục có nhiều điểm phi lý, trái quy định của pháp luật.

Báo Công lý nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc liên quan đến công tác tổ chức đấu thầu gói thầu “Đầu tư phòng học bộ môn Tin học cho các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh” tại Vĩnh Phúc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Qua tìm hiểu được biết, gói thầu trên thuộc dự án: Đầu tư phòng học bộ môn Tin cho các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc (Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc) làm chủ đầu tư.

Hồ sơ mời thầu ngày 24/4/2019 của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc được ban hành kèm Quyết định số 760/QĐ-SGDĐT ngày 12/4/2019. Hồ sơ này do Công ty Cổ phần CFTD Sáng tạo làm đơn vị tư vấn.

Theo phản ánh, trong khi tổ chức đấu thầu, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã phê duyệt hồ sơ mời thầu có nhiều điểm “khóa” để hạn chế nhà thầu, đưa ra nhiều yêu cầu mà dường như chỉ duy nhất một nhà thầu đáp ứng được tiêu chí trong hồ sơ....

Thực tế tìm hiểu của PV, tại hồ sơ mời thầu ngày 24/4/2019 ban hành kèm theo Quyết định số 760/QĐ-SGDĐT ngày 14/2/2019 của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, chủ đầu tư đã đưa ra các yêu cầu với các đơn vị dự thầu.

Nhiều điểm phi lý trong hồ sơ mời thầu của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Hồ sơ mời thầu của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc

Cụ thể, “Nhà thầu phải có khả năng tiêp cận với tài sản, có khả năng thanh khoản cao sẵn có, các khoản tín dụng hoặc nguồn tài chính khác (không kể khoản tạm ứng thanh toán theo hợp đồng) để đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính thực hiện gói thấu 8.000.000.000 đồng (8 tỷ đồng).

Nhà thầu cung cấp catalog, tài liệu kỹ thuật bao gồm đầy đủ nội dung chứng minh các đặc tính, thông số kỹ thuật chào thầu đối với các hàng hóa cho gói thầu này. Khi có yêu cầu, nhà thầu phải có xác nhận của hãng sản xuất để chứng minh.

Máy vi tính được sản xuất và lắp ráp đồng bộ bởi các nhà sản xuất có hệ thống về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 hoặc tương đương, hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015; OHSAS 18001:2007

Máy tính được thí nghiệm và kiểm chuẩn bởi phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2005 về lĩnh vực điện - do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận.

Đối với máy tính và máy chiếu: Nhà thầu phải cung cấp cam kết hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ sau bán hàng của nhà sản xuất hoặc văn phòng đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam cho gói thầu này.

Máy tính để bàn: Sản phẩm có sử dụng công nghệ ABL (Anti Blue Light) hoặc tương đương để loại bỏ tác hại của ánh sáng xanh và giúp cho mắt người sử dụng được tốt hơn (Có phiếu kết quả thử nghiệm của cơ quan chức năng để chứng minh)".

Nhiều điểm phi lý trong hồ sơ mời thầu của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Yêu cầu đối với đơn vị dự thầu “làm khó” nhiều doanh nghiệp

Đáng nói, theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015: Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 cũng nêu rõ: Không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất.

Vì vậy, việc tổ chuyên gia thẩm định đề nghị đơn vị lập hồ sơ phải cung cấp “thư xác nhận của hãng sản xuất về việc cung cấp hàng hóa chính hãng” là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. 

Theo nội dung Khoản 7, Điều 12, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP: “Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalog của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu.

Catalog đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Chỉ yêu cầu nhà thầu nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác trong trường hợp hàng hóa là đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế".

Đối với gói thầu trên, máy tính và máy chiếu có thuộc loại hàng hóa đặc thù, phức tạp hay không mà chủ đầu tư lại đưa ra yêu cầu phải có xác nhận của nhà sản xuất để chứng minh?

Chia sẻ với PV, nhiều đơn vị dự thầu cho rằng cách đưa ra yêu cầu của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đối với hồ sơ dự thầu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Rất ít nhà thầu đáp ứng được hết những yêu cầu có phần trái pháp luật trên, thậm chí doanh nghiệp hoài nghi bản yêu cầu như được soạn dựa vào điều kiện của nhà thầu đã được chủ đầu tư lựa chọn sẵn.

Nếu thực tế có tình trạng chủ đầu tư đưa ra yêu cầu phi lý, mất tính cạnh tranh giữa các nhà thầu, việc đấu thầu khác gì chỉ định thầu?

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều điểm phi lý trong hồ sơ mời thầu của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc