Công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) tại Việt Nam cho thấy tình hình khả quan. Tuy nhiên, trong các bước thực hiện thủ tục hành chính thì bước chuẩn bị hồ sơ và chi phí cho việc này vẫn chiếm đến 55%.
Điều đó thể hiện, công tác chuẩn bị hồ sơ của doanh nghiệp đang rất vất vả, cần tiếp tục cải cách…
Thủ tục hành chính thuế ít chi phí nhất
Hội nghị “Công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) năm 2018” vừa tổ chức mới đây đã đề cập đến vấn đề nêu trên.
Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2018 lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam đã tập trung vào các loại chi phí - vốn là “gánh nặng” lâu nay của doanh nghiệp. Theo đó, báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định hiện hành. Qua khảo sát trên 480.702 thủ tục đối với 8 nhóm TTHC quan trọng gồm: TTHC khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; thuế; đầu tư; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; hải quan; đất đai; môi trường và xây dựng. Tính toán cho thấy, chi phí thời gian thực tế doanh nghiệp phải bỏ ra với thủ tục hành chính là trên 25.000/giờ/thủ tục hành chính.
Đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 là nhóm TTHC thuế với chi phí tuân thủ là 73,75 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm thủ tục này chỉ là 2,9 giờ làm việc. Đây là một trong những nhóm thủ tục được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao môi trường kinh doanh năm 2018 khi tăng gần 15/100 điểm so với năm 2017 (từ 57,99 lên 72,77 điểm). Tiếp đến là nhóm thành lập doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh với chi phí tuân thủ là 720,7 nghìn đồng, trong đó, thời gian thực hiện được ghi nhận khá nhanh với 10,5 giờ làm việc của doanh nghiệp.
Theo Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, khoảng cách khác biệt giữa nhóm thủ tục thuế với các nhóm thủ tục khác có thể lý giải bởi những nỗ lực hiện đại hoá ngành thuế. Với những cam kết và nỗ lực hiện đại hoá ngành thuế, Tổng cục Thuế đã bắt kịp ngay với những giải pháp cải cách được Chính phủ đưa ra ngay từ Nghị quyết 19 năm 2014. Những năm sau đó, làn sóng cải cách đã lan toả khắp ngành thuế thông qua những chỉ đạo của Tổng cục Thuế và thực thi của ngành thuế địa phương.
Tuy nhiên, bốn nhóm TTHC được sự quan tâm chờ đợi nhất của người dân là đất đai, đầu tư, môi trường và xây dựng đứng ở nửa cuối của bảng xếp hạng. Đặc biệt, đứng chót bảng là nhóm thủ tục xây dựng với chi phí tuân thủ là 64,1 triệu đồng, dù về chi phí thời gian, nhóm thủ tục này không nằm ở mức cao nhất (103,9 giờ làm việc và 2,15 triệu đồng) nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên đắt đỏ bậc nhất trong bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018.
Ngành thuế có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính
Ông Ngô Hải Phan, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cho biết: Bên cạnh những thay đổi tích cực rất đáng ghi nhận như đã đề cập đến ở trên thì báo cáo cũng chỉ ra, trong 5 bước tính toán thực hiện thủ tục hành chính thì bước chuẩn bị hồ sơ và chi phí cho nộp hồ sơ chiếm đến 55%. Điều đó cho thấy, công tác chuẩn bị hồ sơ của người dân, doanh nghiệp hiện đang rất vất vả, và như vậy có nghĩa dư địa cải cách còn đang rất lớn.
Đẩy mạnh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp là những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ từ nhiều năm qua. Với vai trò là tổ chức tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC đã và đang tích cực nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
Năm 2018, một trong những kết quả tích cực của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC là xây dựng và hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính với những phân tích đầy đủ các khía cạnh “chi phí” của việc thực hiện chuỗi những thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế, hải quan.
Theo Bộ trưởng, kết quả APCI 2018 là những dữ liệu thực tế, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm cơ sở phục vụ việc đánh giá tính hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo; giúp cho các cơ quan nhà nước ở Trung ương tiếp tục thực hiện các phương án kiểm soát thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ phù hợp tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý; đề xuất những ưu tiên cải cách cho các vùng, địa phương phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế ở từng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, thông qua những kết quả khách quan được phản ánh bởi APCI 2018, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC có những đề xuất, khuyến nghị với các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp những vấn đề cụ thể. Đó là những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nhằm xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ phấn đấu đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD. Tiếp đến là những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai Chính phủ điện tử thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ hành chính công cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ doanh nghiệp, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực;
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: Đây là năm đầu tiên công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân TTHC. Trong các năm tới, chỉ số này sẽ thực hiện so sánh mức độ cải cách mà các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện trong năm trước, nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương xem xét, đo lường được mức độ cải cách của ngành, lĩnh vực, địa phương mình và xác định được những vấn đề cần tiếp tục cải cách cho những năm tiếp theo. Đây cũng là cách để tạo động lực giữa các địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ.