Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân.
Cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng
Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 21/06/1925, tờ Thanh niên ra đời và xuất bản số đầu tiên mở đầu cho dòng báo chí Cách mạng Việt Nam. Trải qua 94 năm đồng hành cùng dân tộc, báo chí Cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc, đã nhận thấy báo chí có sứ mạng cao cả, sứ mạng ấy cao hơn mọi quyền năng. Với Người, chỉ có một thứ "quyền” duy nhất mà Người suốt đời phụng sự, đó là quyền độc lập, tự do của dân tộc, quyền làm chủ xã hội, làm chủ đất nước của nhân dân.
Hồ Chí Minh quan niệm rằng, báo chí và hoạt động báo chí là một bộ phận của sự nghiệp giải phóng con người, là nhu cầu phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Người cho rằng mỗi dẫn tộc, mỗi quốc gia, mỗi đoàn thể, mỗi tổ chức cần phải có một tờ báo để nói lên tiếng nói của mình. Khi lập ra Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa, đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng lập ra tờ báo của Hội - Le Paria (Người cùng khổ) năm 1922. Người xác định vai trò của tờ báo nhằm dẫn dắt mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại, dưới lá cờ đỏ búa liềm trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn, để quét sạch áp bức bất công.
Khi thành lập tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, Người cũng đồng thời sáng lập báo "Thanh niên" năm 1925. Lập Hội tương tế trong Việt kiều tại Thái Lan, Người sáng lập báo "Thân ái". Thành lập mặt trận Việt Minh, Người sáng lập ra báo "Việt Nam độc lập" năm 1941. Người luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích và bạn đọc của tờ báo. Với báo chí nói chung, Người xác định: Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. Với báo Đảng, Người căn dặn: Tờ báo Đảng là những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, Người coi “Văn hóa là một mặt trận”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong điện gửi Hội Nhà báo Á - Phi (1965), Bác Hồ viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”; “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”.
Hồ Chủ tịch tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (1962)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ đề trung tâm của báo chí Cách mạng Việt Nam, đó là độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Bác dạy: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do… Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý… Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì đó có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”.
Với Hồ Chủ tịch, phẩm chất đạo đức, năng lực của người làm báo là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước. Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Bác dạy: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Người đã từng căn dặn cán bộ báo chí, trước hết là Tổng biên tập: “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Đến Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác Hồ nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.
Viết cho ai, viết để làm gì?
Về kỹ năng viết báo: Bác dạy: “Vì ai mà mình viết? Mục đích viết làm gì?” Phải đặt câu hỏi: “Viết cho ai? - Viết cho đại đa số: Công - Nông - Binh”.Viết để làm gì? - Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng. Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù, thì viết mới đúng. Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại.
Theo quan điểm của Người, “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ CNXH, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”. Hay nói một cách ngắn gọn hơn, “nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Suốt cả cuộc đời hoạt động báo chí của Người cũng chính là để thực hiện mục tiêu này. Hoạt động báo chí, cái đích cuối cùng cũng là để đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Người nêu rõ, phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng. Người dạy phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng, chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có, thì phải dùng tiếng ta, bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Viết phải thiết thực, kịp thời, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?.
Đến nay, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị luôn vẹn nguyên giá trị nhưng trong từng cơ quan báo chí, từng bài viết cần có sự vận dụng sáng tạo và linh hoạt.
Trong từng hoàn cảnh, từng giai đoạn, chúng ta thấy báo chí có những nhiệm vụ cụ thể khác nhau, nhưng có một nhiệm vụ xuyên suốt nền báo chí Cách mạng Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định từ những năm 20 của đầu thế kỷ XX và đã thực hiện trong suốt 50 năm hoạt động báo chí của mình là báo chí luôn mang tính chiến đấu, mục đích cuối cùng là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Quan điểm đó vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với nền báo chí Cách mạng Việt Nam hiện nay.
Lấy tư tưởng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tiễn báo chí cách mạng hiện nay, có thể thấy, những di sản báo chí của Người tiếp tục là “kim chỉ nam” dẫn đường cho báo chí cách mạng và những người làm báo tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tính chiến đấu của báo chí cách mạng ở nước ta hiện nay cần tiếp tục thấu triệt vai trò, nhiệm vụ của báo chí phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.