Nhân tố có thể làm gia tăng căng thẳng quan hệ Nhật-Trung

T.K| 20/09/2015 11:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tạo chí "Diễn đàn Đông Á" số ra mới đây có bài phân tích về khả năng quan hệ Nhật-Trung sẽ gia tăng căng thẳng trong thời gian tới, sau khi Nhật Bản công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2015 và ban hành luật an ninh mới.

Dưới đây là nội dung bài phân tích: 

Các tranh cãi về lịch sử và bất đồng về chủ quyền lãnh thổ đã tác động không nhỏ tới mối quan hệ Nhật-Trung. Cho đến nay, những xích mích này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dường như đang theo đuổi một cách tiếp cận mang tính dân tộc chủ nghĩa khi Trung Quốc thường xuyên xâm nhập lãnh hải Nhật Bản, nhất là khu vực gần quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và liên tục yêu cầu Nhật Bản xin lỗi về tội ác chiến tranh. Những sự kiện này đã và đang làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. 

Nhân tố có thể làm gia tăng căng thẳng quan hệ Nhật-Trung

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở nên căng thẳng do hai nước đều đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo.

Giới quan sát cho rằng quan hệ Nhật-Trung có thể sẽ trở nên phức tạp hơn trong thời gian tới, trong bối cảnh Nhật Bản vừa công bố Sách Trắng Quốc phòng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc khai thác các mỏ dầu ngoài khơi ở biển Hoa Đông, Nhật Bản ban hành đạo luật an ninh mới và Thủ tướng Abe có những phát biểu mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc trong lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. 

Ngày 21/7, Nội các Nhật Bản đã thông qua Sách Trắng Quốc phòng năm 2015. Sách Trắng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về những hành động mang tính “cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, khẳng định Bắc Kinh tiếp tục “thể hiện một lập trường cứng rắn đối với việc thực hiện những tuyên bố đơn phương của mình”. Những hành động này bao gồm việc khai thác các mỏ khí đốt mới ở biển Hoa Đông. Theo Sách Trắng, môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng phức tạp do các hành động “hung hăng” của Trung Quốc với ý đồ “thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực”. Do đó, Sách Trắng kêu gọi Nhật Bản tăng khả năng phòng thủ.

Một ngày sau khi công bố Sách Trắng Quốc phòng, chính phủ Nhật Bản tiếp tục công bố những hình ảnh và bản đồ thể hiện việc Trung Quốc đang khai thác các mỏ khí đốt ngoài biển Hoa Đông. Tokyo cho rằng với việc khai thác những mỏ này, Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản, mà còn vi phạm một thỏa thuận song phương ngầm về khai thác chung được hai nước ký kết năm 2008. Tokyo còn lo ngại về các mối đe dọa an ninh và kinh tế do những mỏ dầu này gây ra và việc Trung Quốc có thể sẽ khai thác hết trữ lượng dầu và khí đốt trong khu vực của Nhật Bản, gây tổn hại đến nền kinh tế Nhật Bản. Thậm chí, Trung Quốc cũng có thể biến các mỏ khí ngoài khơi thành các cơ sở quân sự đe dọa an ninh của Nhật Bản. 

Đáp trả, Trung Quốc kịch liệt phản đối Sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản, cáo buộc Nhật Bản “tạo ra những căng thẳng giả tạo” và “khuấy lên những lo ngại về mối đe dọa quân sự đến từ Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng bằng cách phát tán những bức ảnh và bản đồ về các mỏ khai thác của Trung Quốc, Nhật Bản không chỉ kích động đối đầu giữa hai nước, mà còn làm phức tạp thêm tình hình ở biển Hoa Đông. 

Bắc Kinh cũng cho rằng việc Nhật Bản ban hành những dự luật an ninh mới gây tranh cãi có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nước. Dự luật an ninh mới cho phép Nhật Bản thực hiện các hình thức phòng vệ tập thể từng bị coi là vi hiến. Trung Quốc thực sự hoài nghi về dự luật này, lập luận rằng đây sẽ là tiền đề để Nhật Bản tái vũ trang.

Dự luật này sẽ cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đối phó với những hành vi xâm phạm “vùng xám” trong lãnh hải và không phận của Nhật Bản. Những điều khoản như vậy chắc chắn sẽ làm tăng khả năng xảy ra một cuộc đối đầu vũ trang giữa hai nước, nếu có một sự hiểu lầm, thậm chí chỉ là một sự cố nhỏ, ở biển Hoa Đông. 

Tuyên bố của Thủ tướng Abe ngày 15/8 nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai là một “ngòi nổ” khác trong quan hệ Nhật-Trung. Trong tuyên bố này, Thủ tướng Abe đã trích dẫn bốn cụm từ quan trọng trong Tuyên bố lịch sử Murayama: “xâm lược”, “cai trị thuộc địa”, “hối hận sâu sắc” và “xin lỗi chân thành”.

Tuy nhiên, ông Abe đã không đưa ra một lời xin lỗi cụ thể nào về những tội ác chiến tranh mà Nhật Bản đã gây ra cho các quốc gia láng giềng. Thay vào đó, ông Abe cho rằng các thế hệ tương lai của Nhật Bản không nên lúc nào cũng bị cuốn theo một lời xin lỗi.

Quá thất vọng, Trung Quốc đã nhắc lại yêu cầu Nhật Bản phải đưa ra lời xin lỗi chân thành. Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã chỉ trích tuyên bố của Abe với lời xin lỗi “rỗng tuếch”; nhấn mạnh rằng “lời xin lỗi nhạt nhẽo đó còn lâu mới làm hài lòng các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế”. 

Quan hệ lạnh nhạt giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện nay có thể phần lớn là do hai bên thiếu ý chí chính trị để giải quyết các tranh chấp song phương một cách thân thiện. Thay vì xoa dịu những lo ngại của nhau về các vấn đề cùng quan tâm, thì hành động của giới lãnh đạo dường như đang đẩy quan hệ song phương đi xa hơn khỏi quỹ đạo. 

Dư luận thế giới thực sự thất vọng khi chứng kiến quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa hai cường quốc châu Á này không được phản chiếu trong các mối quan hệ chính trị và ngoại giao của hai nước. Việc giải quyết căng thẳng song phương bằng sử dụng vũ lực là không thực tế, và cả hai nước nên có trách nhiệm trong việc kiềm chế căng thẳng, đồng thời tạo ra một môi trường lý tưởng để giải quyết tranh chấp thông qua các phương tiện chính trị và ngoại giao. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân tố có thể làm gia tăng căng thẳng quan hệ Nhật-Trung