Ngày 15/7, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã ký ban hành Giấy phép nhận chìm ở biển cho Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát được phép nhận chìm 500.000m3 chất nạo vét tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Cụ thể, căn cứ vào các quy định của pháp luật; các văn bản, tờ trình của các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát được nhận chìm chất nạo vét ở biển, thuộc Dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải chuyên dùng và các vùng nước phục vụ bến cảng thuộc Khu phát triển GAS&LNG và các loại hình phụ trợ lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nghi Sơn
Khối lượng chất nhận chìm 500.000 m3; thành phần của chất nạo vét, nhận chìm gồm bùn, bùn sét. Chất nạo vét không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Địa điểm khu vực biển nhận chìm thuộc vùng biển thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Khu vực biển đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa bổ sung vào Phụ lục 2 của Quyết định số 47/2022/QĐ-UBND ngày 27/9/2022 của UBND tỉnh quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ các hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND ngày 10/01/2024).
Khu vực biển được phép sử dụng có diện tích là 190,2 ha, độ sâu sử dụng từ -14,88m đến -13,24m, được giới hạn bởi các điểm góc AP01, AP02, AP03, AP04 có tọa độ thể hiện trên Bản đồ khu vực biển kèm theo.
Phương tiện chuyên chở: 4 tàu kéo, 06 tàu hút phun (xén thổi) công suất trên 2000 CV, 06 xà lan hút cát phun cát lên bờ, 06 máy đào gầu dây dung tích gầu 5m3 và 12 xà lan tự hành có cửa xả đáy trọng tải 800T đến 1500T, 06 tàu hút bụng tự hành công suất trên 2000 CV, 02 cẩu 25 tấn kết hợp xà lan. Hình thức nhận chìm chất nạo vét theo hình thức xả đáy.
Thời gian đề nghị nhận chìm là 24 tháng kể từ ngày ký Giấy phép nhận chìm ở biển. Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát có trách nhiệm nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định tại Thông tư số 105/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển và các khoản phí có liên quan theo quy định của pháp luật; bố trí đủ kinh phí để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, phục hồi môi trường do hoạt động nhận chìm gây ra.
Chỉ được tiến hành nhận chìm sau khi được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật và báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa; thông báo về thời gian bắt đầu nhận chìm, thông tin về đơn vị thi công, đơn vị giám sát hoạt động nạo vét, nhận chìm, giám sát môi trường với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp và các cơ quan có liên quan làm cơ sở cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, khối lượng, thành phần vật chất được phép nhận chìm, sử dụng đúng phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm, thời điểm và thời hạn nhận chìm theo quy định đúng quy định tại Giấy phép và quy định trong Dự án nhận chìm ở biển; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, đảm bảo an toàn lao động, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện hoạt động nhận chìm.
Trong quá trình thực hiện nhận chìm nếu có vấn đề gì phát sinh thì phải tạm dừng để phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh, môi trường…