Âm nhạc - Phim

Nhạc Việt "xoay chiều" và đậm đà bản sắc nhờ chất liệu dân gian

Minh Anh 16/08/2023 07:16

Thời gian gần đây, âm nhạc trẻ Việt Nam có sự xoay chiều đáng chú ý. Trong chương trình Rap Việt, cũng như nhiều sáng tác, MV (video âm nhạc) lấy cảm hứng từ chất liệu lịch sử, ý tưởng từ những câu chuyện, chất liệu văn hóa dân gian, văn học và thổi vào đó hơi thở thời đại được công chúng đón nhận, cổ vũ. Ðây là hướng đi tích cực, nếu khơi đúng mạch sẽ tạo nên bức tranh tươi sáng cho âm nhạc Việt.

hinh-anh-08-08-2023-luc-14.42(1).jpeg

Chất liệu dân gian - nguồn cảm hứng của mọi thế hệ sáng tác

Trong nền âm nhạc thị trường như hiện nay, khi nhiều nhạc sĩ miệt mài theo đuổi phong cách âm nhạc cập nhật với giới trẻ thế giới và khu vực như Âu, Mỹ, Hàn Quốc thì vẫn song song tồn tại xu hướng khai thác chất liệu dân gian vào sáng tác của mình. Đáng nói, nhiều tác phẩm đã gặt hái được những thành công nhất định.

Không ít hiện tượng âm nhạc triệu view đã thành công từ bệ đỡ văn hóa truyền thống. Sự kết hợp đầy sáng tạo giữa bản sắc dân tộc với cách phối khí, hòa âm và dàn dựng mới mẻ của các ekip trẻ đã tạo nên những bài hát với giai điệu bắt tai, vừa hiện đại, vừa thấm đẫm chất dân tộc. Bằng cách ấy, văn hóa dân gian ít nhiều đã ngấm vào khán giả trẻ một cách tự nhiên và đầy thuyết phục.

Những di sản văn hóa vùng cao, những nhân vật tác phẩm văn học hay đến những câu nói bình thường của người dân tộc thiểu số đã được lồng ghép khéo léo với giai điệu trẻ trung của các bài hát đã tạo nên một sản phẩm hấp dẫn mọi đối tượng khán giả. Điều đó như một minh chứng hùng hồn nhất cho việc tư liệu dân gian đã và đang là nguồn cảm hứng của mọi thế hệ sáng tác.

Thế hệ cha anh, khai thác chất liệu dân gian, truyền thống dân tộc vào trong sáng tác ca khúc là một trong những đặc điểm nổi bật của nền âm nhạc mới Việt Nam, đã xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu và thực sự rực rỡ trong nền âm nhạc cách mạng và cả những dòng ca khúc khác trong hơn 80 năm qua.

Khi nhắc tới ca khúc “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân, chúng ta không thể không nhớ đến những câu hò sông Mã. Đây là một chất liệu dân gian của người dân nơi đây, họ dùng câu hò để cổ vũ, động viên nhau trong lao động sản xuất. Dưới bàn tay tài hoa của người nhạc sỹ đã khoác lên chúng một màu sắc vô cùng mới mẻ và trường tồn với thời gian, không gian.

Người yêu nhạc Việt đều đã quen với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cha đẻ của những ca khúc giàu tính tự sự và chất triết lý trong nội dung. Trong vô vàn những tác phẩm mang tính kể chuyện thì cũng hiện hữu nhiều ca khúc khai thác tư liệu dân gian. Đó là “Tiến thoái lưỡng nan”, tựa đề ca khúc là một câu thành ngữ phổ biến trong dân gian, giai điệu âm nhạc được khai thác từ chất liệu bài dân ca “Gió đánh đò đưa”. Hay như ca khúc “Ở trọ” ẩn chứa chất liệu dân gian Đồng bằng Bắc Bộ.

hinh-anh-15-08-2023-luc-23.38.jpeg
Trong vô vàn những tác phẩm mang tính kể chuyện của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thì cũng hiện hữu nhiều ca khúc khai thác tư liệu dân gian.

Còn nhiều nhạc sĩ các thế hệ đã khai thác chất liệu dân gian một cách tài ba, cần phải nhắc đến như Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Thanh Sơn, Bắc Sơn... Lứa sau có Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến, An Thuyên, Nguyễn Tiến... Trẻ hơn nữa có Lê Minh Sơn, Giáng Son, Đức Trí...

Đáng nói, một vài năm gần đây, khai thác chất liệu dân gian, truyền thống đang là xu hướng trong ca khúc dành cho giới trẻ. MV “đình đám” trong năm 2020 phải kể tới như Người ơi người ở đừng về của ca sĩ Đức Phúc. Chỉ cần đọc tên của sản phẩm cũng đã thấy yếu tố dân ca Quan họ được khai thác vào trong ca khúc này. Cũng năm 2020, Đức Phúc còn ra mắt ca khúc Hết thương cạn nhớ lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.

Ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã thành công trong việc thể hiện các ca khúc có đưa vào chất liệu lịch sử, văn học, trong đó, nổi bật là MV "Ðể Mỵ nói cho mà nghe" thuộc thể loại pop có tiết tấu sôi động pha chất nhạc dân gian ngũ cung. Tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao, tạo cơn sốt trên mạng với hàng chục triệu lượt người xem trên YouTube. Ngoài ra, cô còn có các MV như: Duyên âm, Kẻ cắp gặp bà già, Tứ phủ, Bánh trôi nước... cũng "làm mưa, làm gió" trên thị trường nhạc trẻ, thu hút hàng chục triệu view trên YouTube.

Thành công này mang lại cho Hoàng Thùy Linh hàng loạt giải thưởng âm nhạc trong hai năm qua. Ðầu năm nay, "cô Mỵ" lại cho ra mắt hai sản phẩm ấn tượng là MV "Gieo quẻ", "See Tình" đậm chất văn hóa, đã và đang lọt vào các Top xếp hạng Billboard Vietnam Hot 100 (Top 100 thế giới) và Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs (Top 100 Việt Nam).

Những nghệ sĩ, tác phẩm đều cùng dựa vào vốn truyền thống dân tộc không chỉ trong âm nhạc mà còn văn học, thơ ca, trang phục, văn hóa truyền thống... Việc khai thác có thể là đậm màu sắc âm nhạc, cũng có khi chỉ khai thác yếu tố văn hóa, trang phục... Mỗi một tác phẩm ở một thời đại đều mang nét đặc trưng, đặc điểm riêng nhưng họ đều là những người bước tiếp để góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của Việt Nam, đưa âm nhạc nước ta đến với công chúng quốc tế.

Tư liệu dân gian giúp chơi chữ trong Rap trở nên có nghĩa

Rap được “du nhập” vào Việt Nam từ thập niên 1990. Trong giới âm nhạc chuyên nghiệp, đến nay, Rap vẫn chưa hoàn toàn được chấp nhận và cũng gần như chưa được công nhận là một nghệ thuật trình diễn. Tuy vậy, Rap vẫn có một số lượng người lựa chọn thưởng thức, làm theo, là “thú chơi” và thậm chí, chọn làm nghề!

Qua thời gian du nhập và học hỏi thì Rap cũng dần được định nghĩa dễ hiểu hơn như một lối trình diễn: Kể về một câu chuyện, nêu một ý nghĩ nào đó bằng một bài văn có vần với sự trình diễn bằng cách nói nhanh, thu hút, kèm ngôn ngữ hình thể, nhảy múa… và thường gắn với trào lưu văn hóa hip hop. Có thể hình dung: Rap là nói nhanh, nói có nhịp điệu một bài văn vần trên nền âm thanh của một “nhạc beat”. Thậm chí có thể nói Rap như một trò chơi chữ nghĩa.

hinh-anh-13-08-2023-luc-10.42.jpeg
Mikelodic khiến giới trẻ tự hào khi mang tới Rap Việt một bản nhạc nói về tinh thần nhập ngũ.

Rapper sử dụng từ ngữ để đặt ra hoặc ứng tác một bài nói - ca từ sao cho thật thú vị về đề tài, nội dung, các câu kết nối nhau bằng nhiều lối gieo vần; sử dụng nhiều lối nói ẩn dụ, so sánh, hoán dụ; nhiều hình ảnh, sinh động, tạo ấn tượng hoặc sự tưởng tượng của người nghe… Điểm quan trọng là bài nói phải có tính liên kết về nội dung và hình thức của lối nói vần vè.

Như vậy có thể thấy rất rõ, nếu có một đề tài hay thì việc sử dụng câu từ, ngôn ngữ cũng sẽ vì thế mà mang lại giá trị thẩm mỹ cao, được khán giả đón nhận. Nhưng nếu xử lý không khéo về ngôn ngữ thì sẽ làm tác phẩm bị kém phần văn hoa, duyên dáng thậm chí là thô tục, nặng nề. Điều đó đã khiến một bộ phận khán giả quay lưng lại với thể loại nhạc này.

Chính vì thế mà tư liệu dân gian đã như một cứu cánh cho dòng nhạc này. Nó khiến những câu từ trong các bản rap dễ đến hơn với khan giả, dễ được cảm nhận và dễ hình dung hơn. Điều đó đã được chứng minh trong chương trình Rap Việt. Không phải tất cả nhưng hầu như những vòng thi có chủ đề về “Thành ngữ, Tục ngữ, Ca dao, Văn học Việt Nam” của chương trình này đều thu hút rất nhiều sự chú ý từ cộng đồng mạng.

Ngay như trong vòng bứt phá được phát sóng tối ngày 12/8, Mikelodic đã mang tới một bản nhạc nói về tinh thần nhập ngũ. Phần trình diễn "Khúc ca vàng" đầy hào hùng của Mikelodic khiến người nghe phải “nổi da gà” vì bị cuốn vào từng giai điệu và càng tăng thêm sức nóng với sự cổ vũ nhiệt tình. Nó thể hiện tinh thần, ý chí và sức trẻ của một thế hệ thanh niên Việt Nam. Như vậy cũng đồng nghĩa, tinh thần yêu nước trong ai cũng có nhưng quan trọng là họ thể hiện thế nào.

Còn ca khúc đậm chất miền núi của Double 2T lại mang đến một cái nhìn mới mẻ, đầy nên thơ về nghệ thuật dân tộc. Sau khi chương trình phát sóng, những câu nói được các bạn trẻ truyền đi nhiều nhất, những đánh giá được ghi nhận nhiều nhất trên các nền tảng xã hội là: "Thật tự hào, khi chúng ta được sinh ra và lớn lên là người Việt Nam..."

hinh-anh-15-08-2023-luc-23.11.jpeg
Người miền núi chất Double2T khuấy đảo với Thanh Âm Miền Núi (Rap Việt 2023 - Live Stage)

Không chỉ trong chương trình Rap Việt, mà ngay khi đã định hình được tên tuổi của mình các nghệ sĩ vẫn chọn đề tài này là nguồn cảm hứng để thực hiện những MV với sự đầu tư kỹ lưỡng. Điển hình trong đó là Rapper Rtee. Điều khiến Rtee trở nên đặc biệt hơn những thí sinh khác là việc anh chú trọng khai thác chất liệu văn hóa dân gian đưa vào sáng tác từ giai điệu, ca từ, câu chuyện. Một số bản rap của Rtee được chú ý như Rằm tháng bảy, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Khấn Tết…

Những tác phẩm của anh là sự kết hợp giữa các nhạc cụ dân tộc như khèn bầu, trống, phách… và nhạc điện tử khá bắt tai. Ngoài âm nhạc mang hơi hướng dân gian, những chi tiết thể hiện văn hóa Việt Nam được khắc họa rõ nét qua lời rap với ý tứ lấy từ những tác phẩm/nhân vật văn học như Thạch Sanh - Lý Thông, Bá Kiến - Chí Phèo. Và chính điều này đã tạo nên sự khác biệt của Rtee với những rapper khác.

Bài rap “Nam quốc sơn hà” trong gameshow truyền hình The Heroes năm 2021. Bài rap là sự kết hợp giữa hò sông nước Nam Bộ (Phương Mỹ Chi thể hiện) với rap (Erik thể hiện). Bản thân chính “bài thơ thần” cũng là nguồn cảm hứng để ê kíp sáng tạo nên bài rap. Từ việc mượn áng thơ nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi của dân tộc ta để nhân lên tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống.

hinh-anh-15-08-2023-luc-23.12.jpeg
Những tác phẩm nhạc điện tử có sự kết hợp giữa các nhạc cụ dân tộc như khèn bầu, trống, phách bắt tai và thu hút khán giả đến với những bản sắc dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh phần ca từ phát triển từ nội dung văn thơ dân tộc thì bài rap còn khai thác chất liệu dân gian Nam bộ trong lời hát ru: “Con ơi con ngủ cho tròn/ Để mẹ ngồi vót cho rồi bó chông/ Chông này gìn giữ non sông/ Chông này góp sức diệt quân bạo tàn”. Việc xuất hiện đoạn giai điệu này khiến cho bài hát đang căng trở nên mềm đi, nó thể hiện sự cân bằng giữa các tính chất âm nhạc tưởng chừng như tương phản tạo nên điểm nhấn khiến người nghe nhớ.

Việc khai thác chất liệu dân gian vào các bản rap có sự khác biệt so với cách khai thác của các nhạc sĩ thế hệ cha anh ở đặc điểm chất dân gian không đậm đặc bằng. Trong khi, nó lại được pha trộn, kết hợp hài hòa với xu hướng âm nhạc đang thịnh hành trong giới trẻ Việt Nam cũng như khu vực và thế giới.

Sáng tạo trên nền những giá trị văn hóa dân tộc là cách các nghệ sĩ trẻ thể hiện niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn văn hóa truyền thống. Nghĩ mới, làm mới, nuôi dưỡng vốn quý cha ông để lại theo cách của thế hệ 9x, 10x, bằng thứ ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, trẻ trung, những nghệ sĩ trẻ đang khoác lên sức sống mới cho tấm áo dân gian, đưa nó hòa nhập với hơi thở thời đại.

Thực hiện: Tuyết Nhung

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc Việt "xoay chiều" và đậm đà bản sắc nhờ chất liệu dân gian