Nhà văn Lê Lựu người đã tạo ra cột mốc giao thời, chuyển từ giai đoạn văn học chiến tranh và mở ra con đường của văn học đổi mới từ 1986 kéo mãi về sau đã qua đời quê nhà ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tác giả "Thời xa vắng" hưởng thọ 81 tuổi.
Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12/12/1942 tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông đã viết nhiều tác phẩm đặc sắc, giành được nhiều giải thưởng như giải Nhì báo Văn nghệ 1968 cho truyện ngắn Người cầm súng; giải A Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 trao cho tiểu thuyết Thời xa vắng, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1...
"Tiểu thuyết Thời xa vắng là một tác phẩm lớn với thông điệp: Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét.
Ông Thiều cho rằng với Thời xa vắng, nhà văn Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. "Tư tưởng của Thời xa vắng đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954".
Ông Nguyễn Quang Thiều nhận định nhà văn Lê Lựu đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc Việt Nam như Giang Minh Sài. Hơn thế, bản thân nhà văn Lê Lựu cũng là một nhân vật đặc biệt của nền văn chương Việt Nam.
Nhiều năm nay, nhà văn Lê Lựu phải chống chọi với nhiều căn bệnh: tai biến mạch máu não, bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến…
Mới đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã chia sẻ tin buồn lên mạng xã hội: "Chiều nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa gọi điện thông báo cho tôi nhà văn Lê Lựu đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà".