Nhà đầu tư "lao đao" sau cơn sốt đất ảo

Thanh Phương| 30/09/2021 09:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

"Bong bóng" đất nền tại Thanh Hóa vỡ tan chóng vánh khiến nhiều nhà đầu tư lao đao, "bỏ của chạy lấy người". Chính quyền địa phương cũng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì lỡ kế hoạch trả nợ, tái đầu tư cho các dự án đã có dự định từ lâu.

Nhà đầu tư lao đao sau cơn sốt đất

Tháng 4/2021, cơ quan chức năng tổ chức bán đấu giá 46 lô đất tại Khu dân cư Đồng Vũng Cao, thôn Bột Thượng, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Chưa bao giờ người ta thấy ở địa phương heo hút này lại có nhiều ô tô đắt tiền đến đậu kín trung tâm xã như vậy. Hơn 1.300 hồ sơ tham gia, chỉ 8 người trúng với tổng số tiền là hơn 53 tỷ đồng. Đặc biệt, tất cả người trúng đấu giá đều ở xa đến.

Lãnh đạo địa phương cũng phải giật mình vì bỗng dưng đất ở xã lại có giá cao ngất ngưỡng đến thế. Giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô 125 m2 nhưng được đấu lên mức từ 1 tỷ đồng đến hơn 1,4 tỷ đồng/lô.

a1bochay.jpg
Nhà đầu tư đổ xô săn đất nền thời kỳ sốt ảo

Nếu so với thời điểm cách đây 2 năm, cạnh mặt bằng quy hoạch này UBND Xuân Sinh cũng tiến hành đấu giá một số lô đất với giá khởi điểm là 140 triệu đồng/lô, nhưng không có người mua. Phiên đấu giá tiếp theo, chính quyền địa phương buộc phải giảm giá “sàn” khởi điểm xuống 120 triệu đồng/lô. Người trúng đấu giá cũng chỉ trả cao hơn giá khởi điểm chút ít để sở hữu những lô đất trên. Và cho tới nay, những lô đất đã được bán đấu giá vẫn là một khu đất hoang khi chưa có bất kỳ một ngôi nhà hay công trình nào được xây dựng lên. 

Sự bất thường này khiến chính quyền địa phương nửa mừng, nửa lo. Mừng vì ngân sách xã được hưởng 50% số tiền bán đấu giá đất sẽ thoải mái trả nợ giải phóng mặt bằng, hạ tầng và đầu tư các công trình cấp thiết khác khi đang trên đường xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Điều mừng nữa là có khi những nhà đầu tư đã nhìn ra được “vị thế đắc địa” để đi tắt đón đầu, chờ các siêu dự án nào đó, tương lai của địa phương sẽ phất lên trông thấy.

Thông thường, sau khi trúng đấu giá, các cá nhân, công ty bất động sản sẽ thiết kế lại mặt bằng trên mạng, đặt cho nó một cái tên “mỹ miều” và gán ghép với các trục kết nối giao thông quan trọng, rải thật nhiều “thính” để làm sao cho nhà đầu tư thứ cấp sẵn sàng rốt vốn đầu tư.

Thời gian 90 ngày để xuống 100% tiền quả là rất dài để các "cò đất" thay nhau thuyết trình, mời gọi. Vậy nhưng thực tế, dù điện thoại gọi liên tục, loay hoay tìm đủ mọi cách nhưng các lô đất vẫn chưa được bất cứ nhà đầu tư nào ngó đến. Thời hạn nộp tiền ngày càng ngắn lại.

a2bochay.jpg
Mặt bằng được đầu tư tạm bợ ở xã Xuân Sinh

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Phúc (trú tại xã Xuân Sinh) khá bất ngờ khi biết tin mỗi lô đất có diện tích hơn 100m2 tại đây được bán đấu giá hơn 1 tỷ đồng. Ông đã sinh sống tại xã gần 58 năm nay, ở địa phương lâu nay việc mua bán chuyển nhượng đất ở, đất vườn chỉ diễn ra giữa người dân trong thôn, xã với nhau, với giá rất thấp. Người mua đất hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu sử dụng. Khu vực này chưa có nhà máy, khu công nghiệp, nó cách khá xa sân bay Thọ Xuân, điều kiện giao thương và kinh tế chưa phát triển. 

Và nỗi lo đã thành sự thật. Quá 120 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất của cơ quan thuế, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất không nộp đủ tiền trúng đấu giá nên bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.

Việc hủy kết quả đấu giá quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản và được ghi trong quy chế được đấu giá, thu hồi tiền đặt cọc sung công quỹ nhà nước số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Tại xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) chính quyền địa phương cũng bán đấu giá 18 lô đất ở liền kề thì người trúng đấu giá chỉ nộp đủ tiền 2 lô, còn lại 16 lô bị bỏ cọc buộc phải đấu giá lại. Tình trạng nhà đầu tư bỏ chạy do đẩy giá đất quá cao diễn ra nhiều nơi tại Thanh Hóa. 

Chính quyền địa phương tưởng như đã có tiền để chi tiêu thì nay rơi vào cảnh nợ chồng nợ. Kế hoạch đấu giá lại phải mất một thời gian khá dài. Khi giá đất bị thổi lên ngất ngưỡng, giờ trở lại giá trị thực lại kén người mua. 

Quy định mới, “cò đất” khó có cửa tung hoành

a3bochay.jpg
Nhà đầu tư bỏ của chạy lấy người khi bong bóng đất vỡ

Trước tình trạng sốt đất ảo gây nhiều hệ lụy, ngày 19/9/2021 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 21/QĐ-UBND về quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn. 

Cụ thể thời hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất: Đối với đất phân lô (thửa) cho hộ gia đình, cá nhân chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của cơ quan thuế, người trúng đấu giá nộp 100% tiền sử dụng đất. Trong thời hạn trên, nếu người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp tiền không đủ theo thông báo thì bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tiền đặt cọc được thu nộp vào ngân sách nhà nước.  

Đối với đất đấu giá để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp giao đất và thuê đất nộp tiền một lần chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, thuê đất của cơ quan thuế, người trúng đấu giá nộp 50% tiền sử dụng đất, thuê đất theo thông báo (đợt 1). Chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, thuê đất, người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất, thuê đất còn lại theo thông báo (đợt 2).

a4bochay.jpg
Quy định mới của tỉnh Thanh Hóa về đấu giá đất

Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp tiền không đủ theo thông báo thì bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Được, mất trong đầu tư là điều khó tránh nhưng gánh nợ từ hệ lụy sốt đất ảo thì quả là khó nuốt trôi. Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, người dân, nhà đầu tư hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để không bị "cháy túi" khi bước vào “ma trận” bán đất nền. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đầu tư "lao đao" sau cơn sốt đất ảo