Nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người" sau cơn sốt đất ở xứ Thanh

Thanh Phương| 15/09/2021 15:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có một khoảng thời gian ở xứ Thanh, người người buôn đất, nhà nhà bàn chuyện làm ăn đất, nhiều đại gia phất lên chỉ trong một đêm. Cơn sốt đất như một cơn bão quét qua từng ngóc, ngách từ thành phố tới nông thôn. Khi bong bóng vỡ cả trăm nhà đầu tư phải "bỏ của chạy lấy người", chấp nhận ăn “trái đắng”.

Vừa qua huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã ban hành các quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở các mặt bằng quy hoạch (MBQH) kèm theo Quyết định số 3211 gồm 2 lô đất ở; MBQH 3212/QĐ-UBND ngày 9/8/2019 thuộc xã Quảng Định gồm 1 lô đất ở; MBQH số 17 UB/TN-MT ngày 25/3/2019 gồm 2 lô đất ở; MBQH kèm theo Quyết định số 3047/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 gồm 19 lô đất ở; MBQH kèm theo Quyết định số 3037/QĐ-UBND ngày 2/7/2020 gồm 5 lô đất ở; MBQH kèm theo Quyết định số 3036/QĐ-UBND ngày 2/7/2020 gồm 5 lô  ở thuộc xã Quảng Nhân; MBQH kèm theo Quyết định số 3209/QĐ-UBND ngày 9/8/2019 thuộc xã Quảng Đức gồm 1 lô đất ở. Tổng số lô đất bị hủy ở các mặt bằng nói trên là 35 lô đất.

a1bochy.jpg
Mặt bằng đấu giá đất tại huyện Hoằng Hóa

Lý do hủy kết quả trúng đấu giá các lô đất nói trên là do khách hàng không nộp đủ số tiền trúng đấu giá QSDĐ theo quy định. Các địa phương tổ chức đấu giá lại các lô đất bị hủy kết quả trúng đấu giá QSDĐ quy hoạch đất ở. Khách hàng sẽ mất tiền đặt trước và chỉ được hoàn trả tiền sử dụng đất đã nộp nhưng không được tính lãi và trượt giá.

Để trúng đấu giá những lô đất mà mình có nhu cầu, nhà đầu tư đã phải bỏ giá cao ngất ngưỡng để hạ gục đối thủ. Người trúng đấu giá có khi được nhiều người đề nghị mua lại với giá cao hơn ngay tại phiên đấu giá. Một lô đất từ khi đấu tới thời điểm hoàn thiện nộp tiền để làm sổ đỏ có thể quay vòng qua tay hàng chục người. Việc “lướt sóng” kiếm tiền dễ dàng, người này đồn, người kia thổi đã khiến nhiều người không kìm được ham muốn làm giàu trong chốc lát đã lao vào như thiêu thân.

a2bochay.jpg
Cơn sốt đất ảo khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng

Những phiên đấu giá lẻ từng lô ở các huyện như Đông Sơn, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Thọ Xuân… thu hút cả nghìn người tham gia. Có những phiên đấu giá kéo dài từ sáng sớm tới tận đêm khuya mới lựa chọn hết được người trúng do quá nhiều hồ sơ. Tâm lý đám đông khiến giá các lô đất ở thuộc các mặt bằng đưa ra đấu giá cũng được trả cao ngất ngưởng, tạo tình trạng sốt đất ảo.

Trong tháng 8/2021, UBND huyện Hoằng Hóa vừa ban hành các quyết định về việc hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất đối với 50 lô đất trên địa bàn 2 xã Hoằng Thành và Hoằng Đồng, do người mua không nộp tiền trúng đấu giá đất đúng hạn theo quy định.

Thời điểm đầu tháng 4/2021, 46 lô đất tại mặt bằng quy hoạch 938/QĐ- UBND ngày 2/6/2020, thuộc khu dân cư Đông Vũng Cao, thôn Bột Thương, xã Xuân Sinh (Thọ Xuân) được đưa ra đấu giá. Đáng chú ý, tuy mặt bằng này là đất “quê”, với giá khởi điểm mỗi lô chỉ 250 triệu đồng, nhưng kết quả trúng đấu giá đều ở mức từ 1 tỷ đồng đến 1,4 tỷ đồng mỗi lô. Sau đó, nhà đầu tư không thể lướt được do giá quá cao, không có F1, F2 nào cắn câu dẫn tới hết hạn nộp tiền không thấy khách hàng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Huyện Thọ Xuân buộc phải ban hành quyết định hủy kết quả trúng đấu giá.

Khi cơn sốt đất đang cao ngất ngưỡng thì dịch Covid-19 ập đến, nhiều địa phương thực hiện siết chặt việc đi lại, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền có động thái chấn chỉnh, chỉ đạo, điều hành nên hầu hết các nhà đầu tư ôm đất đều có dấu hiệu bị quá tải. Không bán sang tay được những lô đất đã trúng lại không có khả năng nộp tiền nên khách hàng đành bắt buộc phải “bỏ của chạy lấy người” bằng cách mất tiền đặt cọc. Riêng huyện Quảng Xương số tiền cọc mà các nhà đầu tư có khả năng mất khoảng 100 tỷ đồng.

Mặc dù các địa phương thu được những khoản tiền tương đối lớn, nhưng sẽ phải tổ chức đấu giá lại các lô đất bị hủy kết quả đấu giá. Về lâu dài, nếu tiếp diễn sẽ gây lãng phí nguồn lực chung của xã hội và ảnh hưởng tới kế hoạch ngân sách. Theo một số nhà đầu tư bất động sản lâu năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, việc các nhà đầu tư bỏ cọc là điều dễ hiểu, bởi so với đầu năm, thị trường bất động sản hiện tại ảm đạm hơn rất nhiều, khiến giá và số lượng giao dịch sụt giảm.

a3bochay.jpg
Giá đất bị thổi lên cao bất thường ở Thanh Hóa thời gian qua

Khoảng thời gian từ thời điểm trúng đấu giá tới khi hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền khá dài khoảng 90 ngày. Đây là lúc các con buôn đứng ra chào mời, lôi kéo, giới thiệu khếch đại các dự án để bán qua tay. Không ít dự án quảng cáo sai sự thật đã bị xử lý.

Trao đổi với PV, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Sốt đất ảo tạo ra rất nhiều hệ lụy. Người dân không tĩnh táo sẽ mắc vào cái bẫy ham làm giàu của chính mình. Các cơ quan quản lý đang bám sát tình hình thực tế, có các biện pháp như hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý, nội quy đấu giá, nâng giá trị phần trăm đặt cọc và rút ngắn thời gian nộp tiền để giải quyết tình trạng sốt đất. Địa phương nào để xảy ra sốt đất ảo, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.”

Theo Khoản 4, Điều 18, Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020, có hiệu lực từ ngày 5/12/2020 về việc thu tiền sử dụng đất quy định, chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo, chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo thông báo và chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo thông báo trong trường hợp xác định lại số tiền sử dụng đất phải nộp quá thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà hộ gia đình, cá nhân chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ.

a4bochay.jpg
UBND phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) phải dựng rạp dưới sân do người đấu giá quá đông

Trên cơ sở đó, người trúng đấu giá có thể không nộp tiền hoặc kéo dài thời gian gian nộp tiền sử dụng đất theo quy định, để có thể nhằm mục đích đầu cơ “lướt sóng”, chờ bán qua tay kiếm lời, làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch ngân sách địa phương. Thông thường, việc đặt cọc đấu giá được tính theo phần trăm giá trị tài sản đấu giá, dao động từ 5% đến 20%, tùy từng trường hợp và tối đa không quá 20% giá trị tài sản đấu giá theo luật hiện hành quy định.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người" sau cơn sốt đất ở xứ Thanh