Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam vừa qua đời đột ngột khi ông đang trên hành trình thăm lại chiến trường xưa và những người bạn cũ.
Thông tin từ người thân, bạn bè của nhà báo Trần Mai Hạnh cho biết, nhà báo Trần Mai Hạnh đột ngột qua đời chiều 2/4, tại TP.HCM, khi ông đang cùng người em trai là nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trong hành trình thăm đồng đội, đồng nghiệp, thăm lại chiến trường xưa.
Hiện tại, gia đình đã đưa nhà báo Trần Mai Hạnh trở về Hà Nội.
Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội).
Tháng 9/1965, ông tốt nghiệp và trở thành phóng viên chiến trường trong Đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã. Trong quãng thời gian từ 1965-1975, ông có mặt trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc.
Với nhiệm vụ thông tin về chiến dịch và làm việc với Thông tấn xã Giải phóng để chuẩn bị mọi điều kiện cho tin tức khi Sài Gòn được giải phóng, Đoàn công tác đã bám sát các binh đoàn chủ lực của ta tiến vào giải phóng các thị xã, thành phố, từ Huế đến Sài Gòn. Nhà báo Trần Mai Hạnh đã ghi lại những hình ảnh lịch sử ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.
Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII, IX); Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X; Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khoá VI, VII); Ủy viên Ban Lãnh đạo Liên đoàn báo chí các nước ASEAN…
Ông Trần Mai Hạnh có một số tác phẩm như: “Nắng Thu Bồn,” “Tình yêu và án tử hình,” “Sụp đổ và tự thú” (1985), “Ngày tận thế,” “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (2017), “Lời tựa một tình yêu,” “Thời tôi sống” (2018)…
Trong đó, tiểu thuyết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của ông đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN 2015, được tái bản tới lần thứ 5, được dịch sang tiếng Anh với tựa đề “A war account 1-2-3-4.75”, được dịch sang tiếng Lào, trở thành sách của Nhà nước Việt Nam trao tặng nước bạn Lào, và hiện đang được tiếp tục dịch sang ngôn ngữ khác.