Trăng tròn Trung thu năm nay được coi là hiện tượng hiếm vì xuất hiện cùng lúc ba hiện tượng thiên văn học.
Trăng tròn tối 17/9 (Trung thu) là siêu trăng tháng 9, còn được gọi là “trăng thu hoạch” vì nó thường gắn liền với thời điểm thu hoạch ở Bắc bán cầu, theo NASA.
Trăng thu hoạch là trăng rằm gần nhất với ngày Thu phân hàng năm. Thu phân là điểm đánh dấu kết thúc của mùa hè và bắt đầu của mùa thu.
Trăng vào thời điểm này trong năm có xu hướng sáng và mọc ngay sau khi mặt trời lặn, vì vậy nó cung cấp cho những người nông dân đang thu hoạch nhiều ánh sáng hơn để làm việc đến đêm; do đó có tên gọi là "trăng thu hoạch".
Trăng rằm Trung thu năm nay là siêu trăng vì mặt trăng sẽ ở điểm gần Trái Đất nhất trong quỹ đạo hình elip kéo dài 27 ngày của nó. Khi trăng tròn xảy ra cùng lúc với thời điểm nó đến gần Trái Đất nhất, nó sẽ xuất hiện lớn hơn và sáng hơn một chút so với trăng tròn trung bình, đó là lý do tại sao nó được gọi là "siêu trăng".
Siêu trăng Trung thu là siêu trăng thứ 2 liên tiếp kể từ siêu trăng xanh mới diễn ra tháng trước. Dự kiến, tháng sau và tháng sau nữa cũng sẽ đón liên tiếp 2 siêu trăng, khiến dịp cuối năm nay có tới 4 siêu trăng liên tiếp.
Theo nhà vật lý thiên văn Teresa Monsue thuộc Trung tâm bay không gian Goddard của NASA, siêu trăng lần này sẽ là siêu trăng máu.
Trăng máu xảy ra trong thời gian nguyệt thực một phần hoặc toàn phần. Trái đất chặn không cho Mặt trời chiếu sáng hoàn toàn Mặt trăng, khiến ánh sáng Mặt trời cuộn quanh từ trường của Trái đất. Từ trường này lọc ánh sáng Mặt trời, chỉ để lại phần lớn ánh sáng từ phần màu đỏ của quang phổ màu, do đó làm cho Mặt trăng có màu đỏ hoặc cam.
Tương tự như siêu trăng, trăng máu xảy ra vài lần mỗi năm.
Ngoài ra, người dân ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và châu Âu sẽ có cơ hội quan sát nguyệt thực một phần khi một phần bề mặt Mặt Trăng bị bóng tối của Trái Đất che khuất.
Nguyệt thực một phần xảy ra khi Trái Đất đi qua giữa Mặt Trăng và Mặt Trời, tạo ra sự liên kết giữa các thiên thể, ngăn không cho ánh sáng Mặt Trời chiếu tới bề mặt Mặt Trăng.
Nguyệt thực một phần sẽ bắt đầu vào 8:41 tối 17/9 (theo giờ miền Đông), khi Mặt Trăng bắt đầu đi vào một phần bóng tối của Trái Đất. Ngay cả khi thời tiết tốt và điều kiện quang đãng, hiệu ứng mờ đi có thể sẽ khó nhìn thấy cho đến khi mép trên của Mặt Trăng bị che khuất vào khoảng 10:13 tối, theo NASA .
Nguyệt thực sẽ đạt cực đại vào lúc 10:44 tối, khi khoảng 8% bề mặt của Mặt Trăng sẽ nằm trong bóng tối hoàn toàn. Hiện tượng này sẽ xảy ra trong khoảng 10 phút sau khi Mặt Trăng tròn vào lúc 10:35 tối.
Sau khi nguyệt thực đạt cực đại, Mặt Trăng sẽ bắt đầu thoát khỏi bóng tối của Trái Đất và kết thúc vào khoảng 12:47 sáng 18/9.
Không giống như nhật thực, không cần phải đeo kính bảo vệ mắt khi xem nguyệt thực và có thể quan sát an toàn bằng mắt thường.