Nguyên tắc suy đoán vô tội theo Bộ luật TTHS 2015

QUỐC HUY| 17/05/2018 07:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 đã quy định một nguyên tắc hoàn toàn mới của tố tụng hình sự Việt Nam, đó là “nguyên tắc suy đoán vô tội”. Đây được coi là nguyên tắc “vàng” trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hiện nay.

Nguyên tắc suy đoán vô tội theo Bộ luật TTHS 2015

Ảnh minh họa

Bảo đảm quyền con người, bảo vệ công lý

Thực tiễn của các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử cho thấy, có một khuynh hướng nhìn nhận bị can, bị cáo như là người đã được coi là phạm tội, dù tội trạng của họ chưa được quy kết bằng bản án có hiệu lực, hay nói đúng hơn  là “suy đoán có tội”. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân của vấn đề án oan, sai hiện nay.

Nguyên tắc suy đoán vô tội được coi là nguyên tắc “vàng” vì đó là lá chắn quan trọng và hữu hiệu cho việc tôn trọng bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Đó chính là nội dung đầy đủ của một nguyên tắc pháp lý quan trọng của việc suy đoán vô tội.

Để thi hành Hiến pháp 2013, BLTTHS 2015 đã quy định một nguyên tắc hoàn toàn mới của tố tụng hình sự Việt Nam, đó là “nguyên tắc suy đoán vô tội” với nội dung: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Quy định này của BLTTHS năm 2015 cho thấy rõ 3 nhóm nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội; những nội dung đó đồng thời cũng chính là những đòi hỏi, những điều kiện cần và đủ mà nếu thiếu chúng thì một người bị buộc tội phải được coi là vô tội.

Đó là yêu cầu về trình tự, thủ tục, mà ở đây là trình tự, thủ tục của việc chứng minh tội và lỗi của người bị buộc tội. Yêu cầu này là hợp phần đầu tiên của nguyên tắc suy đoán vô tội. Người bị buộc tội phải được coi là vô tội cho tới khi tội và lỗi của người đó được chứng minh. Nói khác đi, đây là nguyên tắc “lỗi không được chứng minh, đồng nghĩa với sự vô tội được chứng minh”. Yêu cầu này đã tạo ra sự an toàn pháp lý cho người bị buộc tội trong toàn bộ quá trình tố tụng hình sự. Điều đó cũng phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về quyền dân sự và chính trị năm 1966, là, “mọi người đều có quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân, không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Người bị buộc là phạm một tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi tội của người đó được chứng minh theo pháp luật”.

Theo GS.TSKH Đào Trí Úc, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thì việc điều tra, truy tố và xét xử một người phải được tiến hành theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Nội dung này nhấn mạnh yêu cầu về mặt thủ tục pháp lý, là dấu hiệu quan trọng nhất của chế độ pháp quyền, theo đó, thủ tục công khai, minh bạch là đòi hỏi số một cho việc bảo vệ quyền con người chống lại sự truy bức tùy tiện.

BLTTHS năm 2015 đã nhấn mạnh các yêu cầu nghiêm ngặt về trình tự, thủ tục, coi đó cũng là một nguyên tắc của tố tụng hình sự. Đó là: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”. Chứng cứ sẽ vô hiệu, hồ sơ phải được trả lại để điều tra bổ sung, bản án bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại khi xét xử phúc thẩm và trong thủ tục giám đốc thẩm nếu phát hiện có vi phạm thủ tục tố tụng.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm

Dưới áp lực của đòi hỏi về tính thủ tục chặt chẽ, BLTTHS năm 2015 đã quy định trong một chương riêng về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Các biện pháp đó bao gồm: Ghi âm bí mật, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử (Điều 233). Trong những trường hợp đó, Bộ luật đã xác định chặt chẽ nhưng đảm bảo cho việc giữ bí mật nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp công nhận, bảo đảm và bảo vệ.

Các biện pháp điều tra đặc biệt chỉ được áp dụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền và các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Người có thẩm quyền trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt này phải là Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên và phải được sự phê chuẩn của Viện trưởng VKSND cùng cấp. Thời hạn áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt là 2 tháng, trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra. Bộ luật cũng quy định nghiêm ngặt việc sử dụng các thông tin, tài liệu thu thập từ các biện pháp này.

Theo GS Đào Trí Úc, với những vụ án như vậy, vẫn phải bảo đảm xác định và xem xét các tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, làm rõ các căn cứ xác định có tội và những căn cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Yêu cầu về chứng minh tội và lỗi của người bị buộc tội cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm chứng minh. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi rằng, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về phía buộc tội. Điều 15 BLTTHS 2015 quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Điều đó có nghĩa rằng, cơ quan tiến hành tố tụng không được bắt buộc bị can, bị cáo thực hiện trách nhiệm đó dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, ở đây cần chú ý đến một tình tiết liên quan đến chủ thể của trách nhiệm chứng minh. Theo quan điểm của chúng tôi, việc xác định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng” là chưa thật sự chuẩn xác. Nguyên tắc này đặt ra trách nhiệm chứng minh của cơ quan buộc tội, người buộc tội.

Để bảo đảm cho yêu cầu này, BLTTHS 2015 đã đặt ra yêu cầu nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình và các hình thức trái pháp luật khác trong quá trình thu thập chứng cứ và thực hiện các hoạt động tố tụng khác. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội. Quy định: “Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” của Bộ luật nói lên rằng, người bị buộc tội luôn luôn được quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, trong đó có việc đưa ra chứng cứ chứng minh sự vô tội của mình.

Nguyên tắc quan trọng này cần được nghiêm túc tuân thủ suốt các giai đoạn tố tụng để hạn chế oan, sai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên tắc suy đoán vô tội theo Bộ luật TTHS 2015