Thanh Hóa có nhiều khu di tích đặc biệt, lăng mộ vua, chúa, công thần… nhưng công tác bảo vệ, chống trộm đột nhập, xâm hại, đào trộm tìm cổ vật vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Việc bảo vệ các di tích, mộ cổ không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Tăng cường ý thức bảo vệ di sản văn hóa sẽ giúp gìn giữ những giá trị lịch sử cho các thế hệ mai sau, đồng thời là tài nguyên vô hạn cho phát triển du lịch.
Theo thống kê, Thanh Hóa hiện nay có 79 lăng mộ vua, chúa và công thần, trong đó có 18 lăng mộ đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 37 lăng mộ xếp hạng di tích cấp tỉnh, và 24 lăng mộ các vị quan chưa được xếp hạng.
Quan điểm của người xưa khi chọn khu vực an táng thường là những nơi cao, yên tĩnh, hợp phong thủy… Chính vì thế, các lăng mộ thường nằm xa khu dân cư, có khuôn viên thiết kế mở, không có tường rào bảo vệ kiên cố hoặc không có người túc trực trông coi.
Khi an táng, người xưa hay bỏ vào quan tài các đồ vật dụng với quan niệm “trần sao âm vậy”. Thời gian trôi qua, những đồ vật này trở thành bảo vật, cổ vật được nhiều người săn đón, trả giá cao. Điều này khiến cho các đối tượng xấu có động cơ đào, trộm cắp.
Gần đây nhất, vào lúc 21h30 phút ngày 3/5, đã phát hiện dấu hiệu xâm hại lăng mộ vua Lê Túc Tông thuộc Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Làng đội 1 Nông trường, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) bị các đối tượng người nước ngoài xâm hại, đào trộm.
Hiện nay, trên địa bàn một số địa phương đã xảy ra hiện tượng một số nhóm đối tượng có hành vi xâm hại, đào trộm mộ để tìm kiếm di vật, cổ vật (như phát hiện dấu hiệu xâm phạm lăng mộ Chúa Nguyễn Phúc Khoát, thôn La Khê Trẹm, phường Long Hồ, quận Phú Xuân, thành phố Huế ngày 5/1/2025).
Thậm chí có nhóm người lợi dụng việc tham quan, nghiên cứu khoa học, học tập trong lĩnh vực di sản văn hóa để nhằm mục đích khảo sát, thực hiện hành vi đào bới, xâm hại lăng mộ các nhân vật lịch sử, di chỉ khảo cổ học, tìm kiếm di vật, cổ vật, nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, an toàn cho các di tích và khu tín ngưỡng, tâm linh.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các khu/điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi trộm cắp, đào bới, trục vớt, buôn bán, trao đổi trái phép di vật, cổ vật trên địa bàn.
Trong đó, chú trọng sửa chữa, trang bị, lắp đặt hệ thống camera giám sát và điện chiếu sáng trong và ngoài khuôn viên các khu/điểm di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh của địa phương quản lý.
Công an tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ vụ việc, ngăn chặn hiện tượng, hành vi xâm hại, tự ý đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật tại các lăng mộ vua Lê thuộc khu Di tích lịch sử Lam Kinh (trong đó có lăng mộ vua Lê Túc Tông) nói riêng; các khu lăng mộ Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, các nhân vật lịch sử của các triều đại phong kiến và các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung; xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đào trộm mộ vua, chúa, công thần để tìm kiếm cổ vật là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm đến di sản văn hóa mà còn gây tổn hại đến giá trị lịch sử và tâm linh của các di tích.
Trong thời đại công nghệ số, cơ quan quản lý cần lắp đặt camera an ninh tại các khu vực di tích lịch sử, đặc biệt là những nơi có giá trị văn hóa cao. Tạo các hàng rào vật lý xung quanh các khu vực mộ cổ để ngăn chặn việc tiếp cận trái phép. Cắt cử nhân viên bảo vệ thường trực tại các di tích để theo dõi và ngăn chặn hành vi xâm phạm.
Bên cạnh đó, tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để giáo dục cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa và những tác hại của việc đào trộm mộ. Khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo vệ di sản, báo cáo các hành vi nghi ngờ cho cơ quan chức năng. Điều này là rất cần thiết khi các khu lăng mộ, di tích đều nằm ở khu vực xa khu dân cư.
Ngoài ra, cần có các quy định pháp luật rõ ràng và nghiêm khắc hơn về việc bảo vệ di sản văn hóa và xử lý các hành vi vi phạm. Tăng cường xử lý hình sự đối với các đối tượng đào trộm mộ và thu giữ các cổ vật trái phép.
Giữa các cơ quan quản lý, phải tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như công an, văn hóa, du lịch, chính quyền địa phương để đồng bộ trong công tác bảo vệ. Thiết lập các kênh thông tin để chia sẻ dữ liệu về các hành vi vi phạm và các đối tượng nghi ngờ.
Đặc biệt, sử dụng công nghệ, cảm biến chuyển động để theo dõi và phát hiện các hoạt động bất thường tại các khu vực di tích. Cần phòng ngừa hơn nữa, nhất là đối với các di tích đặc biệt. Khi các cổ vật, bảo vật bị mua bán, trao đổi, chuyển nhượng ra nước ngoài, cần có cơ chế, chính sách để chuyển đưa trở lại khu di tích.