Triệu chứng đau nhức xương khớp thường hay gặp vào mùa đông. Nhưng số đông người dân lại tự ý dùng thuốc giảm đau và chữa theo cách truyền miệng, nhưng điều đó có thể dẫn đến hệ quả khó lường...
Bệnh xương khớp phổ biến khi thời tiết thay đổi cũng là lúc những người có bệnh lý về khớp phải chịu đựng những cơn đau nhức, ê buốt khó khăn trong di chuyển vận động và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Thời tiết chuyển mùa từ thu sang đông hay từ đông sang xuân, nhiệt độ xuống thấp kèm sự ẩm ướt trong không khí khiến những người bị các bệnh về khớp thường cảm nhận rõ hơn khi bị cảm giác e buốt, tê cứng khó vận động tại các khớp… gây khó khăn trong sinh hoạt và lao động, làm giảm chất lượng cuộc sống.
PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa cơ xương khớp, BV Bạch Mai cho rằng, có một số cơ chế mà người ta đưa ra giải thích cho các triệu chứng đau của bệnh nhân thường xuất hiện và nghiêm trọng hơn khi trời trở lạnh.
Đầu tiên phải kể đến nguyên nhân là do các tổn thương cấu trúc đặc biệt xương khớp ở màng dịch làm cho bề dày của khớp cũng như cấu trúc của màng bào dịch thay đổi. Khi nhiệt độ lạnh làm cho sự co giãn của các tổ chức như khớp, gân cơ, dây chằng thay đổi.
Bên cạnh đó, khi trời lạnh thì các dịch khớp có xu hướng quánh lại do đó tác dụng bôi trơn và làm hồi dịch khớp cũng giảm đi.
Ngoài ra, lý do nữa có vẻ rõ ràng hơn được PGS. TS Nguyễn Văn Hùng chỉ ra là do thay đổi áp suất trong không khí khi thời tiết thay đổi. Điều này làm cho các áp lực kìm nén lên các tổ chức trong cơ thể, đặc biệt các khớp bị viêm làm cho việc giãn nở của tổ chức này thay đổi.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với triệu chứng sưng, đau khớp bởi đằng sau các triệu chứng đó nhiều khả năng chính là những bệnh lý về khớp - nguyên nhân chủ yếu gây đau.
Việc giảm triệu chứng đau không giải quyết nguyên nhân tận gốc gây đau và những cơn đau sẽ quay lại bất cứ lúc nào, thậm chí tiến triển nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
PGS. Văn Hùng nhấn mạnh, chúng ta nên xác định nguyên nhân đằng sau các triệu chứng đau đó là gì, bệnh lý của người bệnh là gì và chúng ta phải điều trị triệu chứng theo nguyên nhân, chúng ta giải quyết triệu chứng đau mới chỉ giải quyết phần ngọn, phần gốc không giải quyết được. Do đó, các triệu chứng đau không bao giờ hết hoặc là nó sẽ xuất hiện trở lại.
“Cần phải có chẩn đoán chính xác và muốn như vậy thì người bệnh nên đến gặp các thầy thuốc chuyên khoa để được khám kỹ hơn về mặt lâm sàng cũng như làm các xét nghiệm. Từ đó có các chẩn đoán chắc chắn và có biện pháp điều trị phù hợp cho từng loại bệnh”, PGS. TS Văn Hùng nhấn mạnh.
Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân khi xuất hiện triệu chứng đau thì tìm đến các phương pháp được mách nước, truyền miệng thay vì tìm đến bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp để được thăm khám và điều trị. Hệ quả là, bệnh không những không thuyên giảm mà còn nặng lên, khó chữa hơn rất nhiều.
Tại khoa Cơ xương khớp, BV Bạch Mai đã ghi nhận trường hợp nữ bệnh nhân sưng đau nhiều khớp, các khớp nhỏ và đối xứng cả hai bên. Bệnh nhân M. này bị bệnh cách đây 2 năm. Khi bị bệnh, bà M. đi khám và đi chữa bệnh ở nhiều nơi. Có nơi chẩn đoán viêm khớp dạng thấp nhưng có nơi lại chẩn đoán thoái hoá khớp. Tuy nhiên bệnh nhân không được điều trị bài bản theo đúng phác đồ.
TS. BS Trần Thị Tô Châu, Phó trưởng khoa Cơ xương khớp, BV Bạch Mai cho biết, lần này bệnh nhân đến khoa trong tình trạng sưng đau nhiều ở các khớp, có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng đồng thời bệnh nhân đau nhiều về nửa đêm và về sáng.
Do không được chữa bệnh một cách bài bản, lại thường theo phương thức truyền tai, nên theo TS. BS Trần Thị Tô Châu “bệnh nhân chưa được điều trị thuốc cơ bản”.
“Do đó, với những trường hợp như vậy, bệnh nhân sẽ phải điều trị lâu dài, kiên trì theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc”, TS. BS Tô Châu nhấn mạnh.
Trong khi đó, cũng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng bệnh nhân nam (55 tuổi, ở Hoà Bình) thì ngay khi có triệu chứng đau nhức xương khớp đã nhanh chóng đi khám và điều trị. Sức khoẻ của bệnh nhân nhanh chóng được phục hồi tốt.
Ông H. cho biết đau mạnh nhất ở các khuỷu tay, khuỷu chân sưng tấy và không thể đi được, không giơ được tay. Thời điểm đau thường gần sáng. Rất may, sau khi đến viện tình trạng này đã không còn.
TS. BS Trần Thị Tô Châu nhấn mạnh, trường hợp bệnh nhân H., nếu không được điều trị theo đúng phác đồ thì có thể diễn biến dính khớp, biến dạng khớp gây nên tàn phế.
Chính vì thế, với những trường hợp như bệnh nhân này thì cần được chẩn đoán sớm.
Ngoài ra, các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến cáo, để bảo đảm cho xương khớp khoẻ mạnh khi thời tiết chuyển mùa cũng như hạn chế những cơn đau đối với người có bệnh lý về xương khớp cần thực hiện một số biện pháp phòng tránh sau: giữ ấm cơ thể nhất là các khớp dễ bị thoái hoá như: khớp gối, cổ chân, bàn tay, cổ tay.
Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giảm đau và điều trị theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần tránh xa một số thực phẩm tác động tới bệnh xương khớp vì những thực phẩm này sẽ sinh ra các chất làm tăng gánh nặng cho khớp gồm: các chất kích thích, thịt đỏ, đồ đông lạnh, phủ tạng động vật, đồ ăn nhanh, đồ ăn có tính nóng, quá chua hay quá mặn.
Bên cạnh đó nhiều người khi mắc các bệnh xương khớp cũng thường sợ đau khiến cho các khớp càng trở nên tê cứng, tuy nhiên bản chất khi bị khớp người bệnh càng nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng để khí huyết lưu thông một mặt làm các sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp.
Đáng lưu ý, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để phòng ngừa các bệnh xương khớp cần từ bỏ thói quen ngồi quá lâu tại một vị trí, tăng cường vận động với cường độ hợp lý vừa giúp tinh thần thoải mái vừa giúp ngăn ngừa thoái hoá khớp cổ, vai, cột sống…