Sức Khỏe

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tay chân miệng trong thời điểm giao mùa

Diệu Ly 28/05/2024 - 14:26

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, trong tuần qua, từ ngày 17 đến 23/5, toàn tỉnh ghi nhận 316 ca mắc bệnh tay chân miệng. Con số này tăng 80 ca so với tuần trước và tăng 2,9 lần so với tuần cùng kỳ năm ngoái. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.600 ca bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị.

Được biết, bệnh tay chân miệng do nhóm virus Enterovirus gây ra, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có biểu hiện như: nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng, sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Hiện nay, bệnh chưa có vaccine phòng ngừa và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm não, liệt cơ, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

j-1.jpg
Biểu đồ thể hiện diễn biến dịch bệnh tay chân miệng theo tuần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CDC

Theo các chuyên gia y tế, số ca bệnh tay chân miệng thường tăng cao vào mùa nắng nóng và giao mùa. Do vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời điểm hiện nay là rất cao.

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca bệnh tay chân miệng được cho là do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho virus phát triển và lây lan nhanh chóng. Một phần do ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường chưa tốt, nhất là ở trẻ em. Đồng thời, hiện nay nhiều trường học, nhà trẻ mầm non chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Qua đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các địa phương chủ động giám sát, xử lý các ổ dịch tay chân miệng và tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho người dân biết nhằm hạn chế số ca mắc bệnh trong thời tiết giao mùa như hiện nay.

j-2.jpg
Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. (Ảnh minh hoạ)

Dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh tay chân miệng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai khuyến cáo:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ...

Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sân nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Khi phát hiện trẻ có đầu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây ra biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tay chân miệng trong thời điểm giao mùa