Truyền thống gia đình theo binh nghiệp, tình yêu màu xanh áo lính khiến tôi quyết định thi vào trường Học viện Khoa học Quân sự”, đó là chia sẻ của đại úy trẻ Trần Hà Nam, công tác ở đồn Biên phòng Pa Ủ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu.
Bài toán khó khi vận động học sinh đến trường
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp tại Học viện, chàng đại úy trẻ Trần Hà Nam được phân công công tác tại đồn Pa Ủ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu. “Khi mới đặt chân lên xã biên giới Dào San, rồi Pa Ủ, thấy được cuộc sống của người dân nơi đây vất vả như thế nào. Đặc biệt là các em học sinh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhiều em đến tuổi không được tới trường, tôi cảm thấy xót xa vô cùng”, đại úy Nam chia sẻ.
Đứng trước hoàn cảnh đó, anh tự hỏi “liệu mình có thể làm gì để có thể giúp đỡ nhân dân, giúp đỡ các em, để các em có điều kiện tới lớp tốt hơn, các em yên tâm học tập hơn”.
Không chỉ giúp dân phát triển kinh tế, những chú bộ đội cụ Hồ sống với dân, gần với dân. Ảnh minh họa.
Xã Pa Ủ, là một xã khó khăn nhất của tỉnh, với trên 98% là dân tộc La Hủ sinh sống; kinh tế xuất phát điểm thấp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trẻ em phần lớn đến tuổi đi học đều phải theo bố, mẹ vào rừng, lên nương để kiếm ăn hàng ngày, không có điều kiện để tới trường. Hiểu được điều đó, anh đã tham mưu với tập thể cấp ủy, chỉ huy đơn vị bước giúp đỡ, vận động nhân dân định canh, định cư ổn định cuộc sống.
Đồng thời, anh cùng đồng đội trong đơn vị tham gia giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo. “Chỉ có đời sống của nhân dân được nâng lên thì trẻ em mới có điều kiện tới trường”, đại úy Nam nói.
“Chúng tôi đã tham gia giúp dân dựng nhà, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế xã hội như mô hình trồng lúa nước, đào ao nuôi cá, chăn nuôi bò tập trung để nhân dân học tập; từ đó, nhân dân biết làm ăn, sản xuất, chăn nuôi, đời sống của nhân dân đã từng bước được cải thiện”, đại úy Nam kể thêm.
Thế nhưng, bài toán khó tìm lời giải hơn chính là vận động học sinh đến trường. Đại úy Nam kể: “Người dân ở đây vẫn theo phong tục tập quán cũ, nghe theo bố mẹ không muốn đi học, sợ tới trường. Nhiều lần tôi đã cùng với các thầy giáo, cô giáo, các ban ngành của địa phương phải trực tiếp tới từng nhà để tuyên truyền vận động gia đình cho các cháu đi học”.
“Thực hiện phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, tích cực, nhiệt tình nên số lượng các cháu tới trường ngày càng tăng lên. Nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, nhiều cháu không có điều kiện để tiếp tục đi học”, đại úy Nam trải lòng.
Phép màu giải bài toán khó
Đại úy Nam kể thêm: “Trong những lần đi công tác địa bàn, ở những bản xa trung tâm xã, giữa cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông, chúng tôi đến thăm các thầy cô và các em khi cả ngôi trường chìm trong sương mờ, những lớp học dựng tạm, quây bạt mỏng manh không thể ngăn được những cơn gió lạnh, chúng dường như đang muốn thử thách sự can đảm của thầy và trò nơi đây”.
Đang tìm lời giải cho bài toán vận động học sinh đến trường thì Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đó như chiếc phao tiếp thêm động lực, một phép màu tiếp thêm niềm hi vòng cho chàng đại úy trẻ và đồng đội của mình.
Đại úy Nam nói thêm: “Hình ảnh những đứa trẻ chân trần, không có quần áo mặc, phải đứng co ro đối chọi với cái rét làm chúng tôi ai cũng xúc động và tự hứa với mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để giúp đỡ các em học sinh và các nhà trường”.
Thế nhưng, chính Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã nối gần khoảng cách tình quân dân, tạo được niềm tin sâu hơn trong nhân dân chắp thêm ước mơ cho học sinh vùng cao.
Đại úy Nam trải lòng: “Cuộc đời của các em còn rất dài, có thể có những ước mơ được hoàn thành và những ước mơ sẽ còn dang dở nhưng tôi tin chắc rằng các em sẽ là những hạt nhân tích cực ủng hộ và giúp đỡ Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi được góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong việc thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”.
Với trách nhiệm và tình cảm của một người lính quân hàm xanh dành cho các em học sinh trên địa bàn biên giới, trong thời gian qua anh cùng với đồng đội của mình không ngừng nỗ lực vận động các nhà hảo tâm có những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các nhà trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục trên khu vực biên giới Lai Châu.