Người Thẩm phán tận tâm với nghề

Hoàng Oanh-Hồng Nhi| 19/09/2019 14:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cán bộ Tòa án không chỉ phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, mà còn phải hết lòng tận tâm, tận tụy với công việc, với những người “phải” đến chốn công đường", đó là lời Thẩm phán Trần Văn Phương luôn dặn dò cán bộ trong đơn vị.

Vừa phán quyết nghiêm minh giữ niềm tin công lý, vừa tuyên truyền để nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân một huyện miền núi, nơi còn rất nhiều hủ tục lạc hậu,Thẩm phán Trần Văn Phương, Huyện ủy viên, Chánh án TAND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị góp phần không nhỏ trong việc xây dựng cuộc sống bình yên, phát triển trên địa bàn.

Hết lòng vì công việc…

Cách đây tròn 10 năm, vào năm 2008, khi được bổ nhiệm Phó Chánh án TAND huyện Hướng Hóa, một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị, Thẩm phán Trần Văn Phương cảm nhận đây là vinh dự nhưng trách nhiệm cũng sẽ nặng nề hơn. Bởi nơi đây có đường biên giới dài 156km thuộc 11 xã tiếp giáp với Lào, là vùng đất nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô, Tà Ôi sinh sống, còn rất nhiều hủ tục lạc hậu, người dân “lơ mơ” về pháp luật.

“Nhớ mãi một vụ án ly hôn do tôi giải quyết. Cặp vợ chồng đưa nhau đến Tòa có 2 con chung, trong đó cháu bé út chưa đầy 36 tháng tuổi. Vợ chồng có tài sản chung là 5 sào đất trồng cà phê. Người Vân Kiều có quan niệm, bỏ ra sính lễ là đã “mua” vợ nên khi không sống được với nhau nữa, người vợ phải ra đi với hai bàn tay trắng, không được mang theo con và bất cứ tài sản gì. Họ đến Tòa án ly hôn là chỉ giải quyết về mặt hình thức, thực chất họ đã “ly hôn” bằng phong tục, thực hiện tại nhà. Hủ tục ăn sâu vào nhận thức của đồng bào, nên ngay từ giai đoạn hòa giải, người phụ nữ đó đã chấp nhận “ra đi tay trắng”, ông Phương bồi hồi nhớ lại.

Người Thẩm phán cứ canh cánh trong lòng, bởi những người vợ, người mẹ người dân tộc thiểu số chỉ biết cặm cụi vất vả trên nương, rẫy, nơi “xó” nhà sàn mà không hề biết, không nhận thức được rằng quyền lợi hợp pháp của mình, của con thơ, được pháp luật bảo vệ theo quy định. Một người mẹ phải “mất” con sẽ đau khổ, day dứt đến chừng nào! Đặc biệt, đứa trẻ còn bé như vậy, tình yêu thương chăm sóc của mẹ chính là điều quan trọng nhất.  

Thẩm phán Trần Văn Phương nhờ Bộ đội Biên phòng và người có uy tín ở địa phương cùng về tận nhà. Tất cả vừa phải phân tích để đôi vợ chồng ấy và những người trong gia đình hiểu, pháp luật quy định rõ, con dưới 36 tháng tuổi khi vợ chồng ly hôn, do người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Đồng thời, một cách khôn khéo, ông Phương phân tích tiếp: “Người phụ nữ phải nuôi con nhỏ, nhưng nếu không có tài sản, không có tiền thì không thể mua thức ăn cho con được. Chị ấy cần một phần rẫy cà phê để sản xuất, nuôi con”.

Người Thẩm phán tận tâm với nghề

Chánh án TAND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Trần Văn Phương (bên trái) trong buổi tọa đàm với TAND Khu vực III (Savannakhet, Lào)

Vì cũng thương đứa trẻ, máu mủ của mình nên người chồng nhất trí chia cho vợ một mảnh rẫy. Mừng vì người chồng trong vụ án ly hôn ấy sau khi nghe phân tích thuyết phục, đã tự nguyện chia một phần tài sản chung của vợ chồng tức công lý phần nào đã được thực thi. Tuy nhiên, ông Phương vẫn chưa hết bận lòng, bởi nơi vùng “rừng sâu núi thẳm” này, đa số phụ nữ người dân tộc thiểu số chưa hề biết đến chữ “ly hôn”. Họ càng không biết quyền được ly hôn và những quyền lợi hợp pháp mà pháp luật bảo vệ, khi xảy ra ly hôn.

Nhiều người bị đánh đập, bạo hành, mục đích hôn nhân không đạt được, nhưng “mù” pháp luật nên đành chấp nhận cuộc sống khốn khổ. Vậy là, với vai trò lãnh đạo TAND huyện, ông phối hợp Phòng Tư pháp huyện, thông qua đội ngũ cán bộ tuyên truyền, lồng ghép trong những buổi hoạt động hoặc về tận thôn bản giải thích cho người dân. Nhờ vậy, phụ nữ Vân Kiều, Tà Ôi, Pa Cô nơi mảnh đất núi rừng xa xôi này biết được quyền lợi hợp pháp của mình để yêu cầu cơ quan pháp luật giải quyết, bảo vệ, nâng cao đời sống tinh thần và hiểu biết pháp luật.

“Có lẽ tôi sẽ khó quên một vụ án ly hôn do tôi giải quyết. Trong vụ án này, người vợ “đứng đơn” yêu cầu Tòa án. Nguyên nhân vì người chồng nghiện rượu nặng, mở mắt ra là say, say suốt trọn cả ngày, ngày này nối ngày khác, năm này nối năm khác như vậy. Một mình người vợ gồng gánh nuôi chồng và 4 đứa con. Đến lúc chịu không nổi, người vợ đưa đơn ra Tòa”, vị Chánh án kể lại.

Không thể nào triệu tập được bị đơn (người chồng) đến Tòa án để thực hiện các bước tố tụng; cũng không thể thông qua địa phương tống đạt giấy triệu tập, bởi người đàn ông này say xỉn trước cả giờ cán bộ tống đạt đến nhà. Vậy là đích thân ông Phương phối hợp với Công an địa bàn, Khóm trưởng nơi bị đơn cư trú, đến tận nhà lúc mới chưa đầy 5 giờ sáng “chờ chực”. Khi bị đơn vừa thức giấc, chưa kịp uống rượu, còn tỉnh táo, cán bộ Tòa án tiến hành làm việc ngay.

Tuy nhiên đối với vụ ly hôn này, ông Phương “giao quyền” cho người vợ, bởi từ sâu thẳm cõi lòng của người làm công tác xét xử, ông hiểu không thể hòa giải người vợ quay về đoàn tụ với một người chồng nát rượu đến không có chút thời gian tỉnh táo. Nhưng thật bất ngờ, mấy hôm sau người vợ đến Tòa án rút đơn. Chị hy vọng, lần “suýt” ra Tòa khai tử hôn nhân này sẽ khiến người chồng tỉnh ngộ.

“Quả thật 3 năm sau, tôi tình cờ gặp đôi vợ chồng ấy đang cùng nhau đi mua chuối về bán. Người chồng điều khiển chiếc xe máy, chở vợ phía sau. Người vợ cười tươi hết cỡ, hân hoan gọi “chú Phương, chú Phương!”. Người chồng cười bẽn lẽn, bảo cứ nghĩ vợ không biết và không dám ly hôn. Ai ngờ bà ấy dám làm thật. Khi suýt “mất” vợ, mất gia đình mới sợ, nên cố gắng cai và dứt bỏ được ma men. Nụ cười của hai vợ chồng họ khiến những người làm công tác xét xử như chúng tôi thật sự hạnh phúc”, Chánh án Trần Văn Phương hồ hởi chia sẻ.

Lắng nghe và thấu hiểu

Thị trấn Lao Bảo là đầu mối thông thương với các nước nằm trên tuyến đường hành lang kinh tế Đông Tây, xuyên Á và khu vực miền Trung của Việt Nam, nên huyện Hướng Hóa thu hút nhiều thương nhân và người lao động ở nhiều nơi khác đến sinh sống. Đây cũng là nguyên nhân tội phạm và vi phạm pháp luật diễn ra rất phức tạp. Tình hình phạm pháp về buôn lậu, buôn bán trái phép chất ma túy, vận chuyển hàng cấm từ nước ngoài qua biên giới hết sức phức tạp.

“Điều rất đáng lo ngại là đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức được tác hại khủng khiếp của ma túy. Họ suy nghĩ rất đơn giản, đó là “thuốc tăng lực” trong khi đi làm nương rẫy, một ngày dùng vài viên vừa không thấy đói, lại khỏe người. Họ cho nhau, cùng dùng với nhau nên giải thích, tuyên truyền không những không “lọt tai”, mà họ còn giấu, không tố giác tội phạm. Vậy nên tỷ lệ người nghiện ma túy lan nhanh. Sử dụng ma túy một thời gian, người dùng trở nên uể oải, lười lao động. Vốn dĩ người đồng bào không có tệ nạn trộm cắp, nhưng khi đã nghiện ma túy mà không có tiền mua thuốc, rất nhiều người bất chấp, bán hết tài sản trong gia đình và trộm cả dê, bò của những gia đình khác”, ông Phương kể.

Trăn trở làm thế nào để chung tay cùng các cơ quan, tổ chức, cộng đồng ngăn chặn vấn nạn ma túy, ông Phương tìm hiểu và biết các biện pháp tuyên truyền thông qua sinh hoạt cộng đồng hay phát tờ rơi đều không đưa lại hiểu quả. Người dân ở đây cần trực quan. Họ chỉ thực sự hiểu vấn đề, thực sự giật mình và sợ khi tận mắt nhìn thấy phiên tòa xét xử các bị cáo phạm tội ma túy, tận tai nghe bản thân bị cáo (là người nghiện ma túy dẫn đến phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy) trình bày về hệ lụy khủng khiếp mà bản thân, gia đình phải gánh chịu khi “dính” vào ma túy, nghe Tòa tuyên mức hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo.

Những người đến dự phiên tòa về kể lại, “truyền tai” cho người khác, rồi tự bảo nhau cần tránh xa ma túy. Đó là cách tuyên truyền hiệu quả nhất. Vậy nên, TAND huyện Hướng Hóa tổ chức nhiều phiên tòa xét xử loại tội phạm này ngay tại địa phương và đã phát huy được tác dụng rõ rệt.

Trong vai trò là đảng viên, là Chánh án, ông Phương luôn tự dặn lòng phải phát huy vai trò người đứng đầu. Nêu gương cho cán bộ toàn đơn vị trong tất cả các lĩnh vực, ông Phương không ngừng trau dồi nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo việc xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; xét xử đảm bảo thấu tình đạt lý.

Đặc biệt, Chánh án Trần Văn Phương luôn quán triệt, dặn dò cán bộ đơn vị: Trong cải cách tư pháp, khâu đầu tiên và quan trọng nhất là con người. Cán bộ Tòa án không chỉ phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, mà còn phải hết lòng tận tâm, tận tụy với công việc, với những người “phải” đến chốn công đường.

Nhiều năm liền, Chánh án Trần Văn Phương là Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua TAND; vinh dự được Chánh án TANDTC tặng bằng khen; được UBND huyện Hướng Hóa tặng nhiều giấy khen. Nhưng đối với ông, phần thưởng quý giá nhất là niềm tin của người dân nơi đây đối với đội ngũ cán bộ Tòa án, với con đường đi tìm công lý. Ông thường tâm sự với cán bộ của mình, bác sỹ là người chữa bệnh cho cơ thể con người. Cán bộ Tòa án lại là “bác sỹ” giải quyết những “căn bệnh” của xã hội. Người đến Tòa ly hôn lúc nào cũng mang nỗi buồn. Người đến giải quyết tranh chấp mang tâm lý ăn thua, hằn học… Có những người rơi vào tâm trạng đau khổ cùng cực hoặc tuyệt vọng. Vậy nên, người “bác sỹ” trước tiên phải tiếp cận “bệnh nhân” bằng sự lắng nghe, cảm thông, thấu hiểu mới có thể giải quyết “căn bệnh” một cách triệt để, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Thẩm phán tận tâm với nghề