Đời sống

Người phụ nữ Thái hái quả ngọt từ nguồn vốn vay chính sách

Thanh Phương 05/04/2025 - 09:59

Gác lại mọi ước mơ theo đuổi phù hoa ở bên ngoài, người phụ nữ dân tộc Thái ở huyện miền núi xứ Thanh cùng chồng khởi nghiệp thành công từ nguồn vốn vay chính sách.

trangtrai.jpg
Trang trại chăn nuôi của gia đình chị Hân

Khi nói tới chị Lữ Thị Hân (sinh năm 1987, người dân tộc Thái, trú bản Hạ, xã Sơn Hà, Quan Sơn, Thanh Hóa) ai cũng biết. Nhìn vẻ bên ngoài, không ai nghĩ chị đã ngót tuổi 40, có 3 mặt con, duyên dáng, đôn hậu và nhiệt huyết với công việc đến thế.

Chị Hân từng tốt nghiệp Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa, được kết nạp Đảng. Chị cũng đã mơ ước được cống hiến trong lĩnh vực nhà nước hay một công ty có tiềm lực. Thế nhưng, những con đường mở ra rồi hẹp dần như lối lên bản nhà chị.

nuoilon.jpg
Lợn nái của gia đình chị Hân phát triển tốt

Lập gia đình sớm, những đứa con cứ thế lần lượt ra đời càng khiến cho cuộc sống thêm bí bách. Con gái lớn của gia đình chị đã 16 tuổi, con gái thứ 2 đang học lớp 4 và cậu con trai 4 tuổi. Cả 3 con của chị đều chăm ngoan, học giỏi. Một góc nhà được dành để treo đầy giấy khen.

“Nhiều đêm 2 vợ chồng cứ trăn trở, tìm cách thoát nghèo để nuôi bản thân, tích lũy cho con cái mai sau học hành. Cũng thử nhiều cách mà không có kết quả. Bởi tuổi trẻ chỉ có sức khỏe, nghĩ là làm, làm nhanh mà chưa biết tính toán, kiên trì nên gặp trắc trở, khó khăn là nản.

Rồi vốn liếng không có, bắt đầu lại càng khó hơn. Gia đình vốn làm nông nghiệp, khó khăn. Bà con lối xóm trong bản cũng chẳng khá giả gì mà vay mượn. Một vài lần thất bại, họ lại mất lòng tin vào mình nữa”, chị Hân nói.

chamde.jpg
Chị Hân hướng dẫn cách chăm sóc dê

Khi đã rút ra được những bài học cho mình, chị cùng chồng quyết tâm phải thực hiện thoát nghèo. Năm 2020, gia đình chị được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quan Sơn cho vay 80 triệu đồng để trồng 4 ha vầu và phát triển chăn nuôi. Số tiền này vay trong vòng 5 năm, mỗi năm trả gốc 16 triệu đồng và hơn 300 nghìn đồng tiền lãi hàng tháng.

thumua.jpg
Chị Hân thu mua, tập kết vầu cho người dân

Được học hành bài bản, có kiến thức về nông, lâm nghiệp nên chị Hân như cá gặp nước. Vầu lên tốt, cho sản lượng đều. Chị triển khai chăn nuôi lợn nái, từ 1 vài con rồi lên tới 22 con. Chị mát tay nên lợn đẻ đều, con khỏe, bà con trong xã và khu vực lân cận tìm tới tận nhà mua con giống.

Chồng chị Hân thấy vợ cáng đáng được việc nhà, chăm sóc con cái nên quyết định xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Một tay chị lo con học hành, chăn nuôi, thu hoạch vầu. Thời gian rảnh chị còn nuôi thêm đàn dê 30- 40 con. Dê thông thường thả lên đồi tự kiếm ăn, tối lại về chuồng. Hôm nào lạnh thì chị tự tay cắt cỏ cho dê ăn. Thu nhập hàng năm lên tới cả trăm triệu đồng.

ngoinha.jpg
Chị Hân xây dựng được ngôi nhà khang trang

Thấy bà con vất vả trong khâu bán, vận chuyển vầu, chị làm điểm tập kết, thu mua để cho xe ô tô của các thương lái vào vận chuyển đi. Năm nay giá vầu xuống thấp, thương lái chậm thu mua nên thu nhập của bà con bị giảm khiến chị Hân rất trăn trở làm sao tìm được đầu ra cho bản thân và người dân trong xã đỡ vất vả. Con đường này chắc sẽ còn dài.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà Lương Văn Cương cho biết: Địa phương thuộc khu vực miền núi cao nên còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội. Nguồn nội lực huy động để phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, một số lĩnh vực phát triển chưa mang tính bền vững, kết cấu hạ tầng mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp tuy nhiên về cơ bản vẫn còn khó khăn, chưa đồng bộ.

Chị Hân chăm sóc đàn lợn nái

Mặt bằng dân trí không đồng đều, tập quán canh tác lạc hậu, tự cung tự cấp là chủ yếu, sản xuất hàng hóa manh mún, phân tán, năng suất thấp. Kinh tế vẫn phụ thuộc vào đồi, rừng, chăn nuôi nên đời sống người dân chưa được nâng cao.

Những năm qua, địa phương đang nhân rộng các mô hình kinh tế hộ gia đình làm ăn hiệu quả. Gia đình chị Lữ Thị Hân là một điểm sáng. Từ quyết tâm, có kiến thức và hỗ trợ vốn vay kịp thời của Ngân hàng chính sách đã giúp người dân kiên trì sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.

“Hiện nay, tâm lý người dân sợ đầu tư không hiệu quả, làm mất vốn của nhà nước. Nhất là với cộng đồng dân tộc thiểu số. Bằng người thật, việc thật như nhà chị Hân người dân nơi đây mới dần chuyển biến. Từ động lực thoát nghèo, nay người dân có thêm lực kéo mong muốn, khát vọng của bản thân. Thấy người khác làm được, chuyển sang nghe và học hỏi làm theo. Người dân Sơn Hà sẽ thoát nghèo, tiến tới khá giả, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình”, ông Cương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ Thái hái quả ngọt từ nguồn vốn vay chính sách