Không chỉ thể hiện vai trò của người đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nữ đảng viên còn là gương sáng khi quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương.
Trong những năm gần đây, các chương trình tín dụng được NHCSXH thực hiện cho vay đã góp phần nâng cao đời sống của nhiều nữ đảng viên, tạo điều kiện để vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế gia đình.
Sáng tạo trong sử dụng nguồn vốn vay
Những ngày đầu Xuân năm mới, về vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) có lẽ là thời điểm hấp dẫn nhất, khi những vườn cam, bưởi sai trĩu quả, chín mọng trên cành đang được gấp rút thu hoạch để đưa đi khắp mọi miền. Một vụ cam bội thu nữa lại về với bà con nông dân nơi đây. Với hiệu quả kinh tế cao mà cây cam mang lại, tỉnh Hòa Bình xác định cây cam nói riêng và cây có múi nói chung là cây trồng chủ lực của địa phương.
Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Cao Phong, nguồn vốn chính sách đã giúp hàng nghìn hộ dân có điều kiện mở rộng diện tích, chăm sóc cây ăn quả đặc sản như: cam, quýt, bưởi... Những vườn cây cho năng suất, chất lượng cao, góp phần cho hộ nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững có thể làm giàu chính đáng.
Với vai trò là một đảng viên gương mẫu, nữ Giám đốc Vũ Thị Lệ Thủy - Chủ nhiệm HTX 3T Farm, thị trấn Cao Phong được NHCSXH cho vay hai lần tổng cộng là 170 triệu đồng. Chị Thủy chia sẻ: “Vay được vốn chính sách tôi thực sự cảm thấy yên tâm bởi lãi suất ưu đãi, là vốn mồi giúp HTX mua phương tiện vận chuyển hàng hóa và triển khai đến các thành viên là phụ nữ trong HTX để chị em tái đầu tư trang thiết bị trong sản xuất, trồng cam. Từ đòn bẩy đó, HTX có thêm trợ lực để phát triển các dự án mang tính đột phá gắn với cây cam đặc sản của địa phương như dự án “Quà tặng cam cao cấp 3T Farm gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh”, dự án “Du lịch trải nghiệm - cây cam nhà tôi”. Ngoài việc nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong, là đảng viên, chị Thủy còn tích cực tham gia hoạt động công tác Hội Phụ nữ, chia sẻ kinh nghiệm trồng cây có múi, kinh nghiệm sử dụng hiệu quả và sáng tạo nguồn vốn chính sách... để động viên, khách lệ cho chị em địa phương vươn lên phát triển kinh tế.
Theo báo cáo, năm 2024 huyện Cao Phong có 2.340 hộ được NHCSXH cho vay vốn để sản xuất kinh doanh. Thông qua nguồn vốn chính sách đã xây dựng được gần 1.250 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tạo việc làm cho 534 lao động...
Còn tại tỉnh Hà Giang, nữ đảng viên Hoàng Thị Miến, sinh năm 1989 ở thôn Yên Lập, xã Yên Thành, huyện Quang Bình là điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH. Chị Miến cho biết, chị đã tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương và thể hiện sự gương mẫu trong công tác phát triển kinh tế. Năm 2019, chị được NHCSXH cho vay vốn để triển khai dự án trồng quế với diện tích 4ha. Dự án không chỉ là một bước đi mang tính chiến lược trong việc phát triển kinh tế gia đình, mà còn là một minh chứng cho sự áp dụng sáng tạo và hiệu quả nguồn vốn vay vào sản xuất.
Nguồn vốn vay chính sách đã được chị Miến sử dụng một cách hợp lý, đầu tư vào việc trồng quế, một cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của địa phương. Quế không chỉ là cây trồng có giá trị thu hoạch từ lá và cành, mà còn có tiềm năng phát triển lâu dài. Hằng năm, gia đình chị thu hoạch từ việc tỉa lá và tỉa cành quế, đem lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Số tiền này giúp cải thiện đời sống cho gia đình và giảm bớt gánh nặng tài chính chi phí sinh hoạt, đầu tư cho các hoạt động sản xuất khác.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Miến còn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ những người dân trong thôn Yên Lập, đặc biệt là những hộ khó khăn, trong việc sử dụng vốn vay để phát triển sản xuất, từ đó góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Sự gương mẫu của chị đã lan tỏa tinh thần làm giàu chính đáng và trách nhiệm trong cộng đồng.
Theo đánh giá của NHCSXH huyện Quang Bình, dự án trồng quế của chị Hoàng Thị Miến là một minh chứng rõ ràng khi vay vốn có thể giúp các hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống. Chị Miến đã thể hiện vai trò của một đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời lan tỏa tinh thần đoàn kết, chia sẻ trong cộng đồng.
Nữ đảng viên - “cánh tay nối dài” quản lý hiệu quả nguồn vốn vay
Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSXH, không chỉ chuyển tải, quản lý nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng mà còn giúp bà con tính toán làm ăn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, cách sử dụng vốn vay hiệu quả, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, thực hành tiết kiệm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn tín dụng chính sách.
Chị Hoàng Thị Chùm- Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại Thôn Phắc Nghè, Thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh (Hà Giang) đặt nhiều tâm huyết trong hoạt động tín dụng chính sách, thường xuyên nghiên cứu tài liệu tập huấn, tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban với NHCSXH địa phương, đảm bảo bình xét cho vay đúng quy trình, đúng đối tượng, thường xuyên theo dõi và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Chị chia sẻ: “Các thành viên trong tổ đều là người dân tộc Dao, Mông, Giáy, nên nhận thức còn hạn chế. Nhiều hộ nghèo không dám vay vốn vì lo không trả được nợ. Bản thân chị, là đảng viên, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, tích cực đến từng hộ vận động các hộ gia đình, đặc biệt là chị em phụ nữ tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn; hướng dẫn cách làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Qua đó, chị em dần hiểu lợi ích nguồn vốn ưu đãi mang lại, tích cực tham gia các hoạt động của tổ, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Cũng nhờ nguồn vốn vay mà nhiều hộ đã mạnh dạn nuôi heo nái, nuôi bò, nuôi, trâu thành công”.
Trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn chính sách đã và đang góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống của nhiều hộ gia đình tại các thôn, xã trên địa bàn huyện Quang Bình (Hà Giang). Bà Hoàng Thị Sinh, một đảng viên xuất sắc của chi bộ thôn Yên Lập, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Yên Lập đã khẳng định được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong việc quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay này.
Với kinh nghiệm 6 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, bà Sinh quản lý 58 hộ vay với tổng số vốn lên tới 4,6 tỷ đồng. Việc bà quản lý một Tổ tiết kiệm và vay vốn với nhiều hộ vay như vậy là một thách thức lớn, tuy nhiên, với sự tận tâm và kinh nghiệm của mình, bà đã thành công trong việc duy trì sự ổn định và hiệu quả trong công tác vay vốn của các hộ gia đình.
Bà Sinh cho biết, yếu tố quan trọng giúp bà thành công trong công tác quản lý là sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ỷ thác và chính bản thân Tổ trưởng. NHCSXH huyện Quang Bình luôn duy trì sự hỗ trợ thường xuyên, cập nhật thông tin về các chương trình vay vốn mới cũng như kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tham gia vay vốn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này trong sản xuất kinh doanh. Sự chỉ đạo sát sao của Hội Phụ nữ và NHCSXH đã giúp bà Sinh triển khai các hoạt động của tổ một cách bài bản, hiệu quả”.
Đồng thời, bà Hoàng Thị Sinh còn chú trọng đến việc quản lý các hộ vay thuộc diện đảng viên, trong đó có khoảng 20 hộ trong tổng số 58 hộ của tổ. Đây là những hộ gia đình có trách nhiệm cao trong việc sử dụng vốn vay và gương mẫu cho các hộ khác. Việc bà lựa chọn và hướng dẫn kỹ lưỡng các hộ vay trong việc sử dụng vốn hợp lý, trả nợ đúng hạn đã tạo nên sự gương mẫu và thúc đẩy các hộ vay còn lại nỗ lực trong việc hoàn trả nợ vay. Công tác quản lý vốn không chỉ dừng lại ở việc giám sát, mà còn là sự hỗ trợ kịp thời cho các hộ gia đình gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh.
Có thể nói, những câu chuyện sinh động của các nữ đảng viên tiêu biểu kể trên cho thấy sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của các nữ đảng viên trong sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn vốn chính sách. Nguồn vốn không chỉ là đòn bẩy giúp nâng cao đời sống của người dân mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Những thành công của các nữ đảng viên cho là minh chứng rõ ràng cho việc khi có sự lãnh đạo tận tâm và sự hỗ trợ đồng bộ từ các cấp, công tác quản lý vốn vay vay sẽ đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần phát triển kinh tế, chung sức xây dựng quê hương đẹp giàu mỗi khi Tết đến, Xuân về.