Người phạm tội tự thú có được miễn trách nhiệm hình sự?

Ls Trịnh Văn Thắng (Công ty luật Interla)| 15/11/2016 10:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi người phạm tội ra tự thú, cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác định thấy trường hợp của người phạm tội thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 25 của Bộ luật hình sự thì có thể họ sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.

Gần đây, tôi thấy cơ quan Công an phanh phui nhiều vụ việc liên quan đến tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ.  Tôi muốn hỏi đối với trường hợp người phạm một trong các tội quy định tại các  Điều 278: Nhận hối lộ, Điều 289: Tội đưa hối lộ và Điều 290: Tội làm môi giới hối lộ của Bộ luật hình sự, sau khi thực hiện hành vi, nhận biết được hành vi của mình là trái pháp luật, họ đã đến cơ quan Công an để tự thú thì họ có được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không? Trong những trường hợp nào thì người phạm một trong các tội quy định tại các Điều 279, Điều 289 và Điều 290 của Bộ luật hình sự sẽ được miễn trách nhiệm hình sự nếu như trước đó họ đã ra tự thú?

Độc giả Bùi Lê Sáng (Quốc Oai, Hà Nội)

Người phạm tội tự thú có được miễn trách nhiệm hình sự?

Ảnh minh họa

Trả lời: Dựa trên những thông tin mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bạn đang thắc mắc như sau:

Theo quy định tại điểm o, khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì việc người phạm tội ra tự thú là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Sở dĩ pháp luật quy định tình tiết người phạm tội ra tự thú là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là vì rõ ràng, khi người phạm tội ra tự thú, tự khai ra hành vi phạm tội của mình với Cơ quan Cảnh sát điều tra là khi đó họ đã nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, có thái độ ăn năn hối cải về việc làm của mình, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm nên họ sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Miễn trách nhiệm hình sự (viết tắt TNHS) là một chế định được quy định trong Bộ luật hình sự Việt Nam. TNHS là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý mà người phạm tội phải chịu trước Nhà nước do việc thực hiện hành vi phạm tội mà mình đã thực hiện. 

Cơ sở của miễn TNHS cũng xuất phát từ cơ sở của TNHS, tức là hành vi phạm tội của người phạm tội, song do có những điều kiện mà luật định để có thể được miễn TNHS nên người phạm tội trong trường hợp đó được miễn TNHS.

Tại Điều 25 Bộ luật hình sự đã quy định rõ các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Theo đó người phạm một trong các tội quy định tại các Điều 279, Điều 289 và Điều 290 của Bộ luật hình sự sẽ được miễn trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong trường hợp sau:

Thứ nhất, trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã ra tự thú, thành khẩn khai báo sự việc, hành vi phạm tội với cơ quan điều tra góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, đã giao nộp một phần hoặc toàn bộ số tiền phạm tội, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, trong trường hợp người phạm tội đã được xét xử về hành vi phạm tội của mình và đang trong quá trình chấp hành án mà có quyết định đại xá thì họ cũng được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, sau khi người phạm một trong các tội nói trên ra tự thú, Cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác định thấy trường hợp của người phạm tội thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 25 của Bộ luật hình sự thì có thể họ sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra,theo quy định của pháp luật, các tội Làm môi giới hối lộ, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ là các tội phạm nghiêm trọng. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 23 Bộ luật hình sự  thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm nghiêm trọng là 10 năm. Như vậy, nếu như trong thời gian 10 năm đó mà người phạm các tội trên không bị phát giác, và sau đó khi đã quá thời hạn 10 năm kể từ ngày người đó phạm tội, người đó mới ra tự thú thì họ sẽ được miễn trách nhiệm hình sự do đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này đã thể hiện được tính chất nhân đạo của pháp luật và nhà nước, vì qua một thời gian nhất định họ đã không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, không cần thiết phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế của Bộ luật hình sự đối với họ nữa.

(Bạn đọc có những băn khoăn hay thắc mắc về pháp lý, xin hãy gửi câu hỏi về địa chỉ conglydientu@congly.com.vn để được các chuyên gia tư vấn pháp luật giải đáp trong thời gian sớm nhất).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phạm tội tự thú có được miễn trách nhiệm hình sự?