Sau một thời gian trầm lắng do ảnh hưởng dịch COVID-19, những tháng cuối năm 2021, thị trường lao động đã chuyển biến tích cực khi hầu hết các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tăng cao, đây là cơ hội cho người lao động trong bình thường mới.
“Đón sóng” tuyển dụng, rộng mở cơ hội việc làm cho người lao động
COVID-19 khiến hàng nghìn người lao động mất việc làm nhưng đây là thời cơ để người lao động “đón sóng”, tìm kiếm cơ hội việc làm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã làm số người tham gia lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây, đồng thời đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp trong cả nước lên 3,98%, tăng đột biến và vượt xa con số 2% như thường lệ.
Hiện, nhiều doanh nghiệp đã trở lại guồng hoạt động như trước, nhu cầu tuyển dụng vẫn rất cấp thiết.
Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MTV Texgamex-VN, chuyên đào tạo lao động xuất khẩu nhanh chóng thích ứng, chuyển hình thức đào tạo sang trực tuyến và ngay cả nhà tuyển dụng Nhật Bản cũng thế. Các chương trình phối hợp đưa lao động đi làm việc nước ngoài, đặc biệt là người lao động làm việc tại Nhật Bản được công ty phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Cà Mau (thuộc Sở LÐ-TB&XH tỉnh Cà Mau) làm cầu nối, giúp người lao động Cà Mau có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập cao.
Không chỉ là cơ hội vàng từ chương trình đưa lao động làm việc nước ngoài, ngay cả các doanh nghiệp trong nước cũng tạo mọi điều kiện tuyển dụng, thu hút lao động trở lại làm việc tại công ty, nhà máy.
Điển hình là Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (tỉnh Bình Dương) đang cần tuyển thêm trên 3.500 lao động để đáp ứng các dây chuyền sản xuất, phục vụ đủ công suất nhà máy. Với những chính sách đãi ngộ nhân viên, từ phụ cấp ăn uống, hỗ trợ lao động có con nhỏ, tàu xe…, lao động có thu nhập từ 7-11 triệu đồng/tháng.
Hay như dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH ECCO Việt Nam hiện đang cần khoảng 200 lao động làm việc đến Tết. Lao động ở miền Tây lên thì công ty sẽ phỏng vấn ngay, nếu đạt sẽ được công ty đón tận nơi. Người lao động sẽ được tiêm vắc xin, theo dõi, xét nghiệm đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19 và mức lương từ 9-12 triệu đồng/tháng, tuỳ khâu sản xuất. Năm 2022, công ty sẽ tiếp tục tuyển dụng hơn 600 lao động nữa để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, đơn hàng xuất khẩu.
Đồng bộ giải pháp tạo việc làm cho người lao động
Để người lao động có thể nắm bắt cơ hội việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng và triển khai phương án đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp các trung tâm dịch vụ việc làm để tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo cũng như tổ chức thực hiện đào tạo mới, đào tạo nâng cao trình độ và đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động.
Đáng chú ý, trong chính sách hỗ trợ đào tạo cần có hỗ trợ đào tạo đối với đối tượng là người lao động đang nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, hiện nay chưa quay trở lại làm việc. Đây chính là nhóm đối tượng mà các cơ sở giáo dục - đào tạo và các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần tư vấn, giới thiệu tham gia đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp để chuẩn bị cho việc làm trong tương lai.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần có sự kết nối doanh nghiệp và người lao động, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề… giúp người lao động sớm tìm được việc làm mới, để ổn định cuộc sống. Quan trọng là địa phương phải nắm được nhu cầu khi người dân về quê, bộ phận nào họ muốn ở lại quê, họ xây dựng kinh tế ở đại phương. Còn bộ phận nào có thể tìm việc ở khu vực gần nhà, bộ phận nào muốn quay lại thì phải tìm cách kết nối với các tỉnh, thành.
Các địa phương tổ chức kết nối cung - cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung - cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ. Nhiệm vụ kết nối cung - cầu lao động sẽ được thực hiện thông qua việc tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm; đa dạng hóa các hình thức, chuyên đề của các phiên; tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến trong vùng hoặc toàn quốc.
Song, điều người lao động cần là việc làm bền vững, vậy nên, người lao động, đặc biệt là thanh niên cần chủ động tham gia đào tạo để nâng cao tay nghề, chuyển đổi việc làm đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động sau đại dịch, như xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; phối hợp với doanh nghiệp để gắn đào tạo lý thuyết với thực hành tại doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)