Đời sống

Người kiến tạo điểm “săn mây” nơi rẻo cao

Đức Sơn 30/04/2024 - 10:20

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Phình Hồ, Sùng A Tủa đã sớm nhận thấy sự đói nghèo, lạc hậu bủa vây quê hương mình. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai sinh năm 1992 đã quyết định “bỏ phố, về quê” để phát triển địa phương.

Chuyện “bỏ phố, về quê”

Một ngày cận kề kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2024, tôi có chuyến công tác về một số khu vực khó khăn của tỉnh Yên Bái. Trong chuyến công tác này, tôi đã gặp được một cán bộ xã trẻ trung, năng động, hết lòng vì xã nghèo nơi mình sinh ra, đó là Sùng A Tủa (SN 1992, ở xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).

sungatua.jpg
Anh Sùng A Tủa.

Sùng A Tủa được biết đến là một Tiktoker nổi tiếng với hơn 200.000 lượt theo dõi trên nền tảng mạng xã hội với cái tên giản dị là “anh cán bộ xã”. Các video của anh chủ yếu có nội dung về cuộc sống vùng cao của người đồng bào dân tộc Mông ở xã Phình Hồ. Ngoài ra, A Tủa cũng làm nhiều video có nội dung quảng bá du lịch, đặc sản trà Shan Tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm được trồng và sản xuất tại Phình Hồ.

Một sáng sớm giữa tháng 4/2024, trong lần đầu tiên gặp nhau, A Tủa đã để lại cho tôi ấn tượng khó quên với sự mộc mạc, giản dị và chân thành của người vùng cao. Ngồi bên ấm trà Shan Tuyết, A Tủa đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình cũng như quá trình theo đuổi ước mơ làm giàu cho quê hương.

Theo lời kể của A Tủa, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, bố của A Tủa từng là Trưởng Công an xã Phình Hồ cách đây nhiều năm. Vì là cán bộ nhà nước, bố A Tủa hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc học, và chỉ có học mới có kiến thức, có tầm nhìn để phát triển bản thân và làm giàu, thay đổi cuộc sống của bà con đồng bào.

Nghe theo sự dạy bảo của bố, A Tủa đã “tay xách, nách mang”, mang theo quyết tâm thay đổi quê hương để xuống Thủ đô Hà Nội học tập. Năm 2017, sau nhiều năm đèn sách, A Tủa tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế của Đại học Luật Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, A Tủa đi làm và có một mức lương ổn định, đủ chăm lo cuộc sống cho bản thân ở nơi phố thị.

“Lúc ấy, dù có một mức lương ổn định, thế nhưng nghe theo lời khuyên của gia đình, tôi quyết định “bỏ phố, về quê”. Trở về địa phương, qua sự bình bầu của bà con, tôi đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng Công an xã Phình Hồ. Sau đó, lực lượng Công an chính quy được sắp xếp về các xã, tôi chuyển công tác qua làm Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Phình Hồ. Mặc dù thu nhập từ lương còn thấp, song cũng đủ cho tôi và gia đình có cuộc sống ổn định ở quê”, A Tủa tâm sự.

laucamping3.jpeg
Hình ảnh "săn mây" nơi rẻo cao trong video của Sùng A Tủa.

“Anh cán bộ xã” chia sẻ, thời điểm đầu trở về quê hương, anh nhận thấy đời sống của bà con còn rất nghèo nàn, lạc hậu. Cuộc sống trước đây của xã Phình Hồ có thể nói là gần như “biệt lập” với các địa phương khác khi giao thông không thuận tiện, đường chủ yếu là đường đất và đồi núi nhiều khúc cua, bà con sống co cụm thành từng bản làng trên cao. Việc làm nông nghiệp tại đây cũng rất khó khăn khi thường xuyên thiếu nước, đất đai cằn cỗi. Các loại cây như lúa, ngô rất khó sinh trưởng tốt, chỉ có các cây mọc và sống tự nhiên như cây trà là có thể trồng được.

Là người đã từng được đi qua nhiều điểm du lịch khác ở Tây Bắc, A Tủa đã đặt ra câu hỏi cho chính mình: Tại sao các địa phương vùng cao khác có thể phát triển, còn quê mình thì không? Chính từ câu hỏi này, A Tủa đã thôi thúc bản thân nhất định phải “bỏ phố, về quê” để làm giàu bản làng.

Xây dựng kênh Tiktok, kiến tạo điểm “săn mây”

Kể lại câu chuyện làm kênh Tiktok, A Tủa cho biết, đó không phải là suy nghĩ bột phát mà là kế hoạch anh và các cộng sự đã ấp ủ nhiều năm. Sau khi trở về quê hương và công tác tại xã, A Tủa nhận thấy Phình Hồ có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch khi hội tụ nhiều yếu tố là đặc sắc của núi rừng Tây Bắc như có nhiều đỉnh núi cao, đường lên xã có nhiều cảnh đẹp, đặc biệt là khoảng 200ha trà Shan Tuyết cổ thụ cũng là cảnh quan tuyệt vời để làm du lịch. Vì vậy, kế hoạch xây dựng kênh Tiktok “A Tủa Phình Hồ” đã được ra đời và đi vào thực hiện.

laucamping2.jpeg
Những hình ảnh đẹp mắt trong video của Sùng A Tủa.

“Tôi đã tham mưu cho lãnh đạo xã và bản thân cũng nghĩ ra nhiều hướng để phát triển du lịch. Dù vậy, khoảng hai ba năm liền tôi loay hoay tìm cách làm du lịch trải nghiệm nhưng đều thất bại. Sau đó, tôi đã xuống Hà Nội để học làm Tiktok và xây dựng kênh Tiktok.

Những sản phẩm đầu tiên của tôi và các cộng sự rất thô sơ. Với một chiếc smartphone, chúng tôi làm tất cả công đoạn như quay phim, chụp ảnh, chỉnh sửa video. Nội dung cơ bản là những bữa ăn vùng cao của đồng bào miền núi, một số hoạt động đời thường hay một vài cảnh đẹp nguyên sơ của Phình Hồ. Chính những hình ảnh này đã “dẫn lối” cho nhiều người biết đến quê hương tôi, đặc biệt là những người yêu thích phượt trải nghiệm. Dần dà, có nhiều người đã liên hệ với tôi để tìm hiểu về Phình Hồ và ghé thăm nơi đây”, A Tủa nói.

Năm 2023, trong quá trình tìm kiếm con đường phát triển du lịch, A Tủa đã kết nối với một số người bạn ở TP. Yên Bái. Sau khi nghe về lợi thế và khảo sát thực tế ở Phình Hồ, nhiều người đã đồng ý đầu tư, góp vốn làm du lịch. Đây chính là tiền đề để “Lau Camping” ra đời. Trải qua sự đồng ý, phê duyệt của các cấp, chính quyền tỉnh Yên Bái, “Lau Camping” đã trở thành điểm nhấn đối với khách du lịch khi đến với Phình Hồ.

Theo đó, Phình Hồ nằm ở độ cao từ 900 - 1500m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, 90% người dân là đồng bào dân tộc Mông nên trước khi làm du lịch, thu nhập bình quân và đời sống người dân rất kém, miễn cưỡng chỉ đủ sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, lợi thế của Phình Hồ cũng là ở độ cao nói trên. Khi đến địa phận xã, từ những điểm săn mây, khách du lịch có thể nhìn thấy toàn bộ thị xã Nghĩa Lộ và cánh đồng Mường Lò. Với những ngày mà “thời tiết ủng hộ”, biển mây sẽ bao phủ toàn bộ tầm nhìn, mang lại cho du khách cảm giác đứng trên biển mây đúng nghĩa, đó là thứ cảm giác mà giới trẻ ngày nay coi là hiếm có, khó tìm và nhất định phải có một lần trong cuộc sống. Vì vậy, ở Phình Hồ, A Tủa còn được mọi người gọi thân thương là người kiến tạo điểm “săn mây”.

Hồi sinh “báu vật” trà Shan Tuyết cổ thụ

Ngoài giá trị về du lịch, A Tủa cho hay 200ha trà Shan Tuyết cổ thụ của xã Phình Hồ cũng là một trong những nguồn thu nhập chính của bà con nơi đây. Những đồi trà này đã có từ lâu đời ở địa bàn Phình Hồ.

Theo những cụ cao niên trong xã kể lại với A Tủa, những cây trà nói trên ban đầu mọc hoang sơ khắp núi đồi. Thời ấy, nhận thấy cây trà này có thân lớn, tán lá rộng, rễ bám chắc vào đất nên người dân giữ lại để chống lại sự sói mòn, sạt lở vào các mùa mưa. Sau đó, có người lấy lá ủ nước nóng thì thấy vị thanh mát nên nhiều người học theo, lấy về để sử dụng là chính chứ chưa nghĩ đến việc kinh doanh.

Vào thời chiến tranh, khi thực dân Pháp chiếm đóng Yên Bái, các quan Pháp đã chỉ đạo các thông dịch là người Việt Nam vào các bản, làng thu mua lá trà đã sao khô với giá 1 hào/kg hoặc đổi lấy các nhu yếu phẩm như gạo, muối, dầu…

Hòa bình lập lại trên mảnh đất Yên Bái, bà con xã Phình Hồ lại tiếp tục thu hái, chế biến thủ công các lá trà Shan Tuyết rồi đèo bòng, mang gùi, đưa xuống thị xã Nghĩa Lộ bán cho bà con người Thái, người Kinh hoặc đổi lấy các nhu yếu phẩm khác. Nhiều đời gắn bó với cây trà Shan Tuyết, bà con xã Phình Hồ đều biết gieo trồng, chăm sóc và chế biến lá trà từ loại cây này.

Nhận thấy việc chế biến thủ công, không đồng nhất về chất lượng cũng như giá cả và việc bà con thường bị một số thương lái mua lại với giá rẻ, A Tủa đã nghĩ cách hồi sinh “báu vật” trà Shan Tuyết cổ thụ theo hướng sản xuất tập trung, chuyên nghiệp hóa bằng cách kêu gọi bà con cùng tham gia thành lập hợp tác xã. Tới hiện tại, hợp tác xã sản xuất trà Shan Tuyết cổ thụ ở Phình Hồ đã có 11 hộ dân tham gia và đặt ra quy trình sản xuất nghiêm ngặt, thành phẩm cũng đã được các cơ quan, ban ngành chức năng có thẩm quyền kiểm định, phê duyệt để bán ra thị trường.

sungatua2.jpg
A Tủa đã nghĩ cách hồi sinh “báu vật” trà Shan Tuyết cổ thụ theo hướng sản xuất tập trung, chuyên nghiệp hóa.

Với giá thu mua thống nhất là 25.000 đồng/kg búp tươi, việc thu hái trà Shan Tuyết để bán lại cho hợp tác xã đã trở thành nguồn thu nhập chính cho khoảng 200 hộ dân ở xã Phình Hồ, cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân nơi đây.

Trao đổi với phóng viên về sự phát triển của Phình Hồ, ông Sùng A Rua - Chủ tịch UBND xã Phình Hồ cho biết, năm 2023 được coi là một năm thành công đối với chính quyền địa phương nói riêng và toàn thể người dân nói chung. Các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường đều vượt mốc 100%, trong đó việc chỉ đạo người dân chăm sóc và đạt sản lượng 208,6 tấn trà Shan Tuyết để sản xuất, làm kinh tế cho người dân đạt 103,3% kế hoạch.

Theo ông Rua, kể từ khi hợp tác xã trà Shan Tuyết của xã Phình Hồ được thành lập và đi vào sản xuất, cũng như điểm “săn mây” Lau Camping ra đời đã tăng đáng kể thu nhập của người dân bản địa. Trong năm 2024, UBND xã Phình Hồ đã đặt ra nhiều chỉ tiêu mới cho kế hoạch phát triển kinh tế, đời sống bà con nông dân từ chủ đạo là việc gieo trồng, chăm sóc và sản xuất trà Shan Tuyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người kiến tạo điểm “săn mây” nơi rẻo cao