Ngày 11/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tại Hải Phòng.
Theo báo cáo, TP. Hải Phòng hiện có 01 Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với 22.540 ha là khu kinh tế tổng hợp, trung tâm kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, đô thị công nghiệp, thương mại, du lịch hiện đại, trở thành động lực phát triển của thành phố và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là cửa ngõ hội nhập của Việt Nam và 14 khu công nghiệp được thành lập.
Bên cạnh đó, thành phố đang tiếp tục tập trung để phát triển thêm 20 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 7.000 ha. Các khu công nghiệp của thành phố đã, đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ trong vận hành hoạt động, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới.
Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Hải Phòng đã thu hút gần 47,8 tỷ USD; trong đó có 617 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 30,5 tỷ USD và 244 dự án trong nước với tổng vốn 404.958 tỷ đồng.
Cùng với sự đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, Hải Phòng đã có nhiều chính sách ưu việt đồng hành, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Thành phố đã tích cực tham gia xây dựng Đề án đào tạo nghề, hỗ trợ học phí cho con em người lao động trên địa bàn; triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, chương trình hành động của Thành ủy về xây dựng giai cấp công nhân, trong đó có việc dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, tập trung kết nối, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế; kết nối doanh nghiệp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trọng điểm trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực.
Cùng với đó, thành phố triển khai nhiều chương trình phối hợp, biên bản ghi nhớ với các cơ sở đào tạo lớn trong và ngoài thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các trường đại học, cao đẳng nhằm cung ứng nguồn lao động là sinh viên tốt nghiệp từ các trường, đồng thời tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao đội ngũ lao động hiện có của doanh nghiệp.
Thành phố xác định, trong những năm tới tiếp tục quan tâm công tác phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phấn đấu cơ bản 100% lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có tay nghề đã qua đào tạo; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao, tổ chức đào tạo lại lực lượng lao động trong doanh nghiệp. Thành phố sẽ có giải pháp thu hút tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Hải Phòng, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, các vị trí làm việc gắn với quá trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp…
Qua nghe báo cáo và ý kiến của các đại biểu, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Hải Phòng đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là những chính sách nhằm phát triển giáo dục đào tạo để nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cho học sinh, sinh viên, người lao động.
Đoàn giám sát ghi nhận, tiếp thu các ý kiến cũng như kiến nghị, đề xuất của TP. Hải Phòng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó sớm hoàn thiện khung pháp lý, điều chỉnh, sửa đổi các quy định liên quan đến phát triển, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.