Người khiến sỏi đá cũng nở hoa

10/12/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

3 năm trước đây, người dân thôn Đỉnh, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang hết sức ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông bỏ ra cả tỷ đồng để mua 4ha đất đồi Hồ Cấm cằn cỗi, lổn nhổn đầy sỏi đá, cỏ dại mọc um tùm.

Rồi ngày này qua tháng khác, người đàn ông ấy bền bỉ, cần mẫn khai hoang phục hóa, tạo độ xốp, tạo mùn cho đất và trồng lên đó hàng ngàn gốc đào và hàng trăm loại hoa.

Họ lại càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng, người đàn ông kỳ lạ ấy vốn là một nghệ nhân có bàn tay vàng trong nghề kết hoa nghệ thuật và giỏi lai tạo những loại hoa mới của làng hoa Nhật Tân, Hà Nội.

Con người của thiên nhiên

Anh tâm sự rằng, có lẽ cái tên Hồ Việt Hoa do cha mẹ đặt đã gắn cuộc đời anh với hoa, thậm chí dành toàn bộ tâm lực của mình vào việc nghiên cứu, lai tạo ra những loài hoa cho hương sắc nồng nàn.

Sinh ra và lớn lên ở làng đào Nhật Tân, từ thuở ấu thơ, anh Hoa luôn thích được mẹ dẫn đi ngắm nhìn những vườn đào bạt ngàn hoa khoe sắc thắm cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Lớn lên, tình yêu thiên nhiên, hoa cỏ trong anh dường như đã ngấm dần vào máu thịt.

Năm 1982, anh Hoa tình nguyện lên đường nhập ngũ và trở thành một người lính hải quân bảo vệ vùng biển, vùng trời Đông Bắc của Tổ quốc. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh trở về địa phương và xin làm công tác phát hành báo chí. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh còn kết hoa phục vụ các đám cưới, lễ hội để tăng thêm thu nhập. Cứ bận mải với công việc và niềm đam mê hoa như thế, nên chuyện riêng tư anh cũng gác lại một bên.

Người khiến sỏi đá cũng nở hoa

Anh Hồ Việt Hoa hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng hoa

Trước cơn lốc đô thị hóa, làng đào Nhật Tân dần thu hẹp lại, nhường đất cho các công trình hiện đại mọc lên. Người trồng đào phải phiêu dạt ra tận đê sông Hồng. Cây đào Nhật Tân cũng vì thế mà dần phai hương sắc. Anh Hoa đã trăn trở rất nhiều để tìm một hướng đi mới cho nghề trồng đào. Sau khi mẹ mất, anh quyết tâm thực hiện mơ ước của mình là tìm một nơi để bảo tồn loài hoa đào đã gắn liền với văn hóa của Thủ đô. Anh đã đặt chân đến vùng đất có tiếng là "thiên thời, địa lợi" như Hồ Đại Lải, Tam Đảo, Ba Vì, Hoà Bình, Hưng Yên… Nhưng cuối cùng, anh lại chọn vùng đồi núi đất đỏ nơi đây để lập nghiệp vì sau khi thử đất, thử nước ở đây, anh tự tin giống đào Nhật Tân sẽ phát triển tốt. Vượt qua sự phản đối của anh em, bè bạn, năm 2010, anh chính thức đến Trấn Sơn để “khai hoang, lập ấp”.

Ròng rã suốt trọn một năm, một mình anh vỡ từng thớ đất, đầu tư thuê thêm lao động, máy ủi, máy xúc múc đất đào ao, phát quang cỏ dại, san phẳng phiu rồi xây nhà, trồng hoa. Ham làm tới mức ăn không đủ bữa, ngủ không đủ giấc khiến anh Hoa gầy rộc. Có lần, anh còn ngã từ trên đồi dốc xuống bị thương cả tháng mới đi lại bình thường. Có những đêm ngủ trong sương lạnh, sáng ra thấy dưới chân mình cuộn tròn một chú rắn đất đêm qua trườn vào lều tránh rét. Có những chiều mải ghép mắt đào trên đồi, giật mình nhìn lên thấy bếp nhà ai phía xa đã đỏ lửa, mùi cơm sôi ngọt dịu mà nghe lòng chống chếnh, cô đơn…

Ham tìm tòi, khám phá, anh Hồ Việt Hoa đã tìm đọc rất nhiều tài liệu về nông nghiệp và gặp các chuyên gia uy tín để xin lời khuyên. Rồi như một nhà khoa học thực thụ, anh thử nghiệm những sáng kiến của mình trên đất. Đất đồi Liên Sơn tuy không màu mỡ như đất Nhật Tân nhưng đã được anh bù đắp bằng trấu, phân hữu cơ và hàng tấn cá, đỗ tương ủ mục, trộn lẫn một số loại phân hóa học khác để cải tạo đất.

“Nghề hoa” cũng lắm công phu

Trước đây, con đường dẫn vào trang trại hoa lúc nào cũng lầy lội, gập ghềnh rất khó đi. Sau khi về đây lập nghiệp, anh Hồ Việt Hoa đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để tạo cốt nền, mở rộng đường đi. Người dân thôn Đỉnh cũng nhờ đó mà được hưởng lợi, không còn phải vất vả khi vận chuyển lúa gạo, hoa màu như trước nữa. Hơn hai năm đầu tư gần chục tỷ đồng, đổ bao mồ hôi, công sức, khu đồi hoang dần trở thành khu đồi vườn khung cảnh thơ mộng.

Ngay dưới những cây đào đang khép tán, đơm nụ là luống hoa hồng nhung, hồng bạch cánh đơn truyền thống ngát hương thơm. Rồi đồng tiền kép, cúc đại đóa, thược dược, lay ơn cũng đua nhau đem mùa xuân về gần lại với người. Anh Hoa còn có sáng kiến cấy ghép phong lan trên thân cây vải thiều với những dáng thế lạ mắt. Theo anh, nghề trồng hoa mang lại lợi ích "kép", không chỉ là hiệu quả kinh tế mà còn để thoả mãn thú chơi tao nhã. Làm gì cũng cần sự kiên trì, với nghề trồng hoa, một yếu tố quan trọng nữa là phải có thêm kỹ thuật, như vậy mới “điều khiển” được chúng nở theo ý muốn.

Cùng với muôn loài hoa, trang trại của anh Hồ Việt Hoa còn có một khu trại chăn nuôi xây dựng như của một viện nghiên cứu nhỏ với các loài động vật quý hiếm như gà 9 cựa, gà rừng, gà lôi, sóc, nhím... cùng các loài chim họa mi, khiếu, gáy, chích chòe, chào mào và nhiều loại yến. Anh bắt đầu nuôi sinh sản thí điểm các loài chim yến như hoàng yến, thanh yến, hồng yến, bạch yến... bằng thức ăn chủ yếu là kê. Trang trại của anh đã tạo việc làm cho hàng chục nhân công trong vùng, đồng thời giúp cho họ có thêm kiến thức, kinh nghiệm để có thể tự lập với nghề trồng hoa, chăm sóc cây cảnh sau này. Thậm chí, những người làm công cho anh còn được vay vốn không lấy lãi để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Kỳ khu nhất có lẽ là việc anh Hồ Việt Hoa mang cây đào Nhật Tân lên xóm núi. Có cây không hợp đất, xơ xác rồi rụng lá, có cây lại tốt um, cuối năm tịnh chẳng thấy một nụ hoa. Rồi đến chuyện ghép đào chẳng phải ai cũng làm được… Suốt hai năm ươm giống, chiết cành, ghép cây và chăm sóc, vun xới đều đặn, Tết năm ngoái, hàng nghìn gốc đào thử nghiệm đầu tiên nở hoa khiến vùng đồi này rực sắc hương. Những gốc đào ấy nếu đem bán sẽ thu được hàng trăm triệu đồng, nhưng anh lại đem tặng bạn bè và người dân trong thôn.

Người khiến sỏi đá cũng nở hoa

Vườn hoa của anh Hoa ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ  

Trang trại hoa đào của anh Hoa có nhiều loại đào quý‎ mà không phải nơi nào cũng có được. Cây đào có dáng vẻ phong trần sương gió tựa tùng bách trong tranh thủy mặc xưa này có tên là đào Thất Thốn - một loại đào quý‎ mà chỉ những nghệ nhân lão luyện trong nghề trồng đào Nhật Tân mới có thể trồng ra hoa. Rồi ngay cả loại Bạch đào, loại hoa nổi tiếng tinh khôi, tao nhã của đất Kinh kỳ xưa cũng hiện diện trên đất này. Xưa nay, giống hoa cánh trắng như tuyết, thần thái tinh khôi xuất hiện đâu đó trong những câu chuyện kể của những người Hà Nội mà thôi chứ đã mấy ai tận mắt nhìn thấy nó. Biết bao năm miệt mài cấy ghép, ươm hoa sao cho nở đúng dịp Tết, giờ đây, anh Hồ Việt Hoa hoàn toàn có quyền tự hào về thành quả của mình.

Trách nhiệm với cộng đồng

Với mong muốn biến Trấn Sơn thành một làng đào Nhật Tân mới, mang lại sinh kế ổn định cho hàng trăm hộ gia đình nghèo nơi đây, anh Hoa đã tặng bà con trong vùng hàng trăm gốc đào, hướng dẫn họ cách trồng và chăm sóc hoa. Anh Nguyễn Văn Lợi là một trong số đó. Năm nay, vườn hoa của gia đình anh cũng đã bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến sẽ cho thu nhập ổn định, lâu dài. Cũng nhờ tấm lòng vì cộng đồng, biết sẻ chia của anh mà nhiều gia đình đã bước đầu vững vàng trên con đường tạo lập hướng làm ăn mới trên đồng đất quê mình. Thanh niên có việc làm, không phải đi xa làm thuê như trước và thôn xóm cũng nhờ thế mà bình yên, gắn bó hơn.

Chia tay anh Hồ Việt Hoa khi hoàng hôn xuống, lúc người làm công đã về nhà, ngay cả những búp hoa cũng khép tán, cúi đầu thì ông chủ của trang trại hoa lại một mình đối ẩm với chén trà thơm ngát. Là người con chí hiếu, anh dành hẳn một căn phòng để bài trí di vật của mẹ như ngày bà còn sống để lúc nào cũng như thấy có mẹ ở bên động viên, chia sẻ. Ngày cành đào đầu tiên cho hoa, anh đã thành kính dâng lên bàn thờ người mẹ kính yêu đã gieo vào lòng anh sự yêu mến các loài hoa, thầm báo với mẹ anh rằng, anh đã thành công khi đưa loài hoa truyền thống của làng mình lên đất mới.

Mang theo màu đào Tân Yên trong tâm tưởng, tôi chợt thấy, dường như mùa Xuân chậm chậm xuôi xuống phố theo guồng quay xe đạp của người phụ nữ bán hoa đào sớm. Lại chạnh nhớ những mùa đào trong lịch sử ngàn năm. Mùa đào nào tướng quân Nguyễn Công Trứ mang về biếu mẹ báo tin thắng trận. Mùa đào nào anh hùng áo vải Quang Trung gửi từ Thăng Long về tặng hiền thê. Mùa đào nào bà con miền Bắc gửi đồng bào miền Nam, khắc cốt ghi tâm lời thề “tất cả vì miền Nam” ruột thịt.

Và, ngay trong thời khắc Xuân đang về phơi phới ngoài kia, có những mùa đào của bao người lính trẻ đóng quân trên biên giới gửi về tặng mẹ cha, tặng người thương những nỗi nhớ niềm thương chan chứa. Màu hồng ấm tinh khôi ấy đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của mùa xuân phương Bắc. Sắc hoa ấy đã và sẽ mãi luôn tô thắm phố phường những ngày xuân nhờ có những con người yêu thiên nhiên cây cỏ, biết sống vì cộng đồng như anh Hồ Việt Hoa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người khiến sỏi đá cũng nở hoa