Đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh thành trên cả nước áp dụng việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19 trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên rất nhiều người dân thắc mắc việc đi lại giữa các tỉnh cần chuẩn bị các giấy tờ, thủ tục như thế nào.
Những trường hợp nào được phép qua lại chốt kiểm soát?
Từ 6 giờ ngày 21/9, TP Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Hà Nội không áp dụng quy định phân vùng; không kiểm soát giấy đi đường đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp di chuyển trong địa bàn Thành phố; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch và quản lý, giám sát di biến động trên địa bàn.
Mặc dù nới lỏng từng bước, nhưng Hà Nội vẫn duy trì 23 chốt kiểm soát chặt chẽ người ra vào cửa ngõ thủ đô nhằm giữ vững, bảo vệ thành quả chống dịch.
Theo đó, chỉ những người đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo nội dung Công văn số 2434 ngày 29/7 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới được phép đi lại qua chốt kiểm soát.
Cụ thể, trường hợp, người ở tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội để làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động cần phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị theo mẫu, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2, quét mã QR Code tại chốt kiểm soát. Hà Nội không quy định bắt buộc người muốn vào thành phố phải tiêm vaccine phòng Covid-19.
Các cán bộ, nhân viên, người lao động có địa chỉ thường trú tại Hà Nội làm việc, lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố khác cần có giấy xác nhận là cán bộ, công nhân, người lao động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố đó và giấy xác nhận của chính quyền nơi cư trú theo mẫu.
Các trường hợp ra - vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch bệnh, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia… cần có các loại giấy tờ chứng minh việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó và Giấy đi đường theo mẫu.
Riêng trường hợp người dân đi ra khỏi thành phố trước ngày 24/7/2021 (thời điểm Hà Nội ban hành Chỉ thị số 17) muốn quay lại Hà Nội, người buôn bán hàng hóa thiết yếu từ các địa phương, tỉnh, thành khác vào Hà Nội cần chuẩn bị căn cước công dân, các loại giấy tờ chứng minh việc buôn bán, kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV2 bằng phương pháp PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày).
Trường hợp người ở tỉnh, thành khác đưa, đón bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố; lễ tang; đi sân bay Nội Bài để công tác (kể cả người đưa đón) cần chuẩn bị: căn cước công dân, hộ chiếu, vé máy bay, kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV2 bằng phương pháp PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày).
Trường hợp người đi khám chữa bệnh thì phải có hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện, lịch trình vào - ra, địa điểm xuất phát, nơi đến để kiểm soát quá trình tham gia lưu thông trên địa bàn thành phố.
Những lễ tang tổ chức ngoài thành phố cần có danh sách thành viên trong gia đình và người phục vụ tham gia tang lễ, cam kết của gia đình đảm bảo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17.
Quy định của một số tỉnh, thành
Đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh thành áp dụng việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19 trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên rất nhiều người dân thắc mắc việc đi lại giữa các tỉnh cần chuẩn bị các giấy tờ thủ tục như thế nào?
Theo tìm hiểu của phóng viên, người dân Hà Nội, cán bộ công chức, viên chức muốn ra khỏi thành phố đi các tỉnh thành khác công tác cần thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và yêu cầu 5K, đồng thời bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR có giá trị trong vòng 72 giờ.
Tại tỉnh Bắc Ninh: Theo văn bản mới nhất số 2993/UBND-KGVX do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn ký ban hành ngày 19/9 nêu rõ cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh được mở cửa hoạt động trở lại, trừ các dịch vụ như quán bar, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử. Các dịch vụ ăn uống trong nhà phải đảm bảo khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và đóng cửa trước 22 giờ hàng ngày (không tập trung xem bóng đá).
Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu người dân không ra ngoài từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về. Những trường hợp này phải có giấy tờ liên quan như: thẻ, giấy xác nhận của cơ quan doanh nghiệp, hoặc giấy tờ chứng minh khác…
Đối với những người từ tỉnh, thành phố khác trước khi vào địa bàn tỉnh Bắc Ninh phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc: Công văn số 8179/CV-BCĐ do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước ký ban hành ngày 17/9/2021 cho biết: Để đảm bảo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát trên các tuyến đường ra/vào tỉnh.
Đối với người ra vào/tỉnh Vĩnh Phúc từ địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp là cán bộ, công chức viên chức, chuyên gia, cán bộ quản lý, công nhân, người lao động khi đi qua chốt cần xuất trình giấy tờ tùy thân, phiếu xét nghiệm SARS – CoV-2 (Test nhanh kháng nguyên hoặc RT –PCR) cho kết quả âm tính trong vòng 72 giờ.
Tại tỉnh Hải Dương: Ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương cho biết, hiện tỉnh vẫn kiểm soát chặt chẽ người từ nơi khác vào, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15, 16.
Cụ thể, người từ các địa phương khác vào tỉnh (kể cả người Hải Dương trở về từ tỉnh ngoài) phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ; trường hợp đặc biệt phải báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh.
Với những người đến/về từ Hà Nội đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 khi vào tỉnh phải thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14.
Riêng đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7 kể từ ngày đến/về địa phương.
Tại TP Hải Phòng: Ban chỉ Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố quy định người đến từ Hà Nội đến Hải Phòng phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ; cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 14.
Tại tỉnh Hưng Yên: Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, người Hà Nội vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh trong vòng 48 giờ; giấy xác nhận tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19; thực hiện việc khai báo y tế và thực hiện 5K.
Tại tỉnh Yên Bái: Văn bản mới nhất hướng dẫn người dân di chuyển từ vùng có dịch trở về địa bàn tỉnh yêu cầu tất cả người dân đến hoặc về tỉnh Yên Bái (trong đó có người từ TP Hà Nội về) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR chưa quá 72 giờ, hoặc test nhanh kháng nguyên chưa quá 24 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu (trường hợp không có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, yêu cầu phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm dịch y tế và phải tự chi trả phí xét nghiệm).
Ngoài ra, người từ Hà Nội về/đến tỉnh Yên Bái nếu đã tiêm đủ 2 liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Trong trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19, hoặc tiêm liều thứ 2 chưa đủ 14 ngày, thì phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 14 ngày, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo.