Thanh Hóa thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp thiết thực để giải quyết các vướng mắc, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công làm động lực, bệ phóng để phát triển. Địa phương này đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu chậm giải ngân đầu tư công.
Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa được phê duyệt là trên 12.800 tỷ đồng. Tính đến ngày 09/5/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được 3.648,2 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 28,4% kế hoạch; đứng thứ 12 về tỷ lệ giải ngân vốn nhanh trong 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 12 chủ đầu tư, địa phương giải ngân đạt từ 50% kế hoạch vốn trở lên.
Hiện toàn tỉnh còn 501.139 triệu đồng vốn năm 2024 do tỉnh quản lý (bao gồm cả vốn năm 2022 và năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024) chưa được giao kế hoạch chi tiết đến danh mục và mức vốn từng dự án.
Chủ tịch, các phó Chủ tịch tỉnh được giao làm tổ trưởng các tổ trực tiếp xuống hiện trường giải quyết các thủ tục, vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công. Tuy nhiên, vẫn còn một số nguồn vốn giải ngân rất chậm so với kế hoạch.
Trong đó, đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương (mới đạt 0,8%), vốn nước ngoài (mới đạt 0,9%), vốn 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (mới đạt 25,3%); có 19/48 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân dưới mức trung bình của cả tỉnh; 19 dự án đã hoàn thành được giao kế hoạch vốn năm 2024 để thanh toán theo quyết toán được duyệt, thanh toán khối lượng hoàn thành mặc dù đã được Chủ tịch UBND tỉnh gia hạn thời gian giải ngân đến ngày 30/4/2024, song đến ngày 09/5/2024 vẫn chưa giải ngân hết vốn.
Còn 24 dự án có thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025 nhưng vẫn chưa được phê duyệt dự án đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật). Nếu như chậm trễ sẽ dẫn tới thời gian thi công thực tế quá gấp rút, không đảm bảo tiến độ đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và khu vực, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành.
Tập trung nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị, thực hiện thi công “3 ca, 4 kíp” đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia, vốn nước ngoài, các dự án trọng điểm, dự án thuộc tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 phải gắn liền với bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước.
Người đứng đầu các đơn vị, địa phương được giao quản lý, sử dụng vốn đầu tư công phải xác định việc đôn đốc tiến độ thực hiện và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trường hợp tiến độ giải ngân vốn năm 2024 chậm so với quy định, cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đối với 24 dự án chưa được phê duyệt dự án đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật), các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn, đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định trước ngày 30/7/2024.
Riêng đối với 02 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn và Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh), khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để đảm bảo điều kiện, tiến độ trình phân bổ kế hoạch vốn chi tiết cho các dự án tại Kỳ họp thứ 19 của HĐND tỉnh.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, cắt giảm, dừng thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách cấp huyện chưa thực sự cần thiết; xác định cụ thể nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp huyện quản lý có trách nhiệm phải bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công do tỉnh quản lý; trên cơ sở đó, khẩn trương rà soát, trình HĐND cùng cấp xem xét, ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách cấp huyện cho các dự án này, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua trước khi giao kế hoạch năm 2024 nguồn vốn đầu tư tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất điều tiết về ngân sách tỉnh dành cho nhiệm vụ quy hoạch, vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Theo dõi sát và đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn năm 2024 của các dự án; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh điều hành linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn năm 2024. Chủ động báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 theo quy định…
Theo thống kê, trong tháng 5/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hoá ước đạt 3.346 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 22.481 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán và tăng 27,9% so với cùng kỳ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh xếp thứ 30 cả nước, tăng 17 bậc so với năm 2022.
Hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động giảm 8,6%, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng 23,7%. Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm còn chưa bảo đảm yêu cầu. Một số chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 giảm thứ bậc so với năm 2022: Chỉ số PAPI giảm 10 bậc, Chỉ số SIPAS giảm 8 bậc, Chỉ số PAR INDEX giảm 15 bậc...