Tỷ lệ chi từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế chiếm tới hơn 50% tổng chi cho y tế tại Việt Nam, con số này cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp và cao gấp 3 lần trung bình thế giới.
Một nghiên cứu mới nhất của Trường Đại học Y tế công cộng được công bố trong Hội nghị khoa học toàn quốc với chủ đề “Y tế công cộng Việt Nam: Thực trạng và định hướng tương lai” đã chỉ ra rằng, trong gần 20 năm qua, tổng chi cho y tế tại Việt Nam đã tăng từ hơn 5% GDP (năm 1995) lên gần 7% GDP (tương đương 190.000 tỷ đồng vào năm 2012).
Người dân Việt Nam bỏ tiền túi chi cho y tế cao gấp 3 lần thế giới. Ảnh: Dân trí
Nguồn chi cho y tế của Việt Nam được cung cấp từ 5 nguồn đó là: Ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, viện trợ nước ngoài, chi trực tiếp từ hộ gia đình và các nguồn kinh phí tư khác. Trong đó, tỷ lệ chi từ tiền túi của hộ gia đình chiếm tới hơn 50%. Đây là con số cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp và cao gấp 3 lần trung bình thế giới.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu tỷ lệ chi cho y tế từ tiền túi của người dân vượt quá 30% thì khó đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đặc biệt, nếu tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân bằng hoặc vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình gọi là chi phí thảm họa. Chính vì thế, năm 2014 có hơn 400.000 hộ gia đình Việt Nam rơi vào bãy nghèo đói.
Nhìn vào con số chi từ tiến túi của hộ gia đình Việt Nam cho y tế, TS. Đào Lan Hương, chuyên gia y tế cao cấp của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam khẳng định, tình trạng chi cho y tế vượt ngưỡng là nguyên nhân gây ra chi phí thảm họa và nghèo đói cho các hộ gia đình.
TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, con số 30 hay 50% chi phí y tế từ túi tiền của hộ gia đình chưa phản ánh hết bức xúc của người dân, những người quan tâm tới chất lượng y tế cũng như chi phí y tế hiện nay.
Theo ông Tuấn, hiện nay đang xảy ra tình trạng người dân bỏ tiền túi chi cho y tế khá cao nhưng chất lượng họ nhận được chưa như mong muốn.