Theo phản ánh của người dân, tại cửa hàng xăng dầu số 42 (số 231 đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn còn tồn tại các vi phạm quy định về PCCC, điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và có thể dẫn tới những hậu quả khó lường.
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã xảy ra nhiều vụ cháy xe bồn tiếp xăng, cháy cây xăng. Nguyên nhân chủ yếu thường là do sự bất cẩn của con người, không thực hiện theo các hướng dẫn và không thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC.
Theo phản ánh của người dân, tại cửa hàng xăng dầu số 42, đơn vị này đã không thực hiện theo đúng các quy định về PCCC. Cụ thể khi nhập xăng từ xe téc vào bể chứa, hoạt động mua bán xăng phải được tạm ngưng để tránh sự cố cháy nổ, nhưng cửa hàng xăng dầu ở số 42 vẫn bất chấp các quy định này.
Anh Nguyễn Văn H, một người dân sống gần cây xăng cho biết: "Ngày 16/7 vừa qua, tôi ghé vào cây xăng 42 mua xăng và thấy dù đang bơm xăng từ xe téc sang bể chứa của cây xăng nhưng các nhân viên vẫn thản nhiên bán xăng cho khách và tình trạng này đã diễn ra rất nhiều lần. Trong 15 phút có đến 5-10 chiếc ô tô và rất nhiều xe máy vào đổ xăng".
Nhân viên tại cây xăng thản nhiên dùng điện thoại dù đang bán xăng cho khách hay đang trèo lên xe téc kiểm tra
Chưa dừng lại ở đó cũng tại cây xăng này, nhiều người dân cũng phản ánh tình trạng sử dụng điện thoại của nhân viên. Cụ thể theo hình ảnh từ clip ghi lại được vào tối ngày 19 tháng 7 năm 2018, khi xe téc chuẩn bị tiếp nhiên liệu, một nhân viên vừa làm các thao tác bơm xăng vào bể chứa nhưng tay vừa nghe điện thoại, đặc biệt người này còn nghe điện thoại khi đang mở nắm bồn xe téc.
Theo ghi nhận của PV, việc vi phạm các quy định về PCCC không chỉ diễn ra buổi tối, ban ngày thời điểm có rất nhiều người ra vào đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu số 42, nhưng nhân viên ở đây vẫn sử dụng điện thoại khi bán xăng cho khách, điện thoại luôn được để trong túi quần và thường xuyên bỏ ra sử dụng.
Tại điều 11 của Nghị định 52/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy quy định rõ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: trong đó bao gồm “sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm”.
Trước đây, CS PCCC TP Hà Nội đã yêu cầu các chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu thực hiện các nội dung bao gồm: có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, cấm sử dụng điện thoại di động, tắt máy khi bơm nhiên liệu, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ...
CS PCCC thành phố cũng khuyến cao: khi bơm xăng từ xe téc sang bể chứa phải phân công người trực cảnh giới trong suốt thời gian nhập. Đồng thời ngừng bán hàng ở cụm công nghệ bể nhập và khu vực dễ xảy ra cháy nổ.
Hiện trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 472 cửa hàng bán xăng dầu, trong đó có rất nhiều cửa hàng xăng dầu đang hoạt động kinh doanh khu vực đông dân cư, gây ảnh hưởng tới sự an toàn của người dân đang sinh sống. Xăng, dầu là chất lỏng, dễ bay hơi và khuếch tán trong không khí tạo thành hỗn hợp nguy hiểm về cháy, nổ. Xăng, dầu nhẹ hơn nước nên khi bị phát tán sẽ nổi trên bề gây cháy lan ra xung quanh rất nhanh, khó kiểm soát. |