Sau 3 ngày mua thịt lợn về và tự tay chế biến, người đàn ông ở Quảng Ninh phải nhập viện, được chẩn đoán nhiễm liên cầu lợn.
Ngày 1/8, thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn biến chứng suy đa tạng do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Bệnh nhân là ông P.V.B. (47 tuổi, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) nhập viện do bị đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau bụng từng cơn quanh rốn, người mệt mỏi. Thời điểm vào viện, người bệnh trong tình trạng tụt huyết áp, nổi vân tím toàn thân, xuất huyết dưới da rải rác.
Qua khai thác bệnh sử được biết, trước đó 3 ngày, bệnh nhân mua thịt lợn về nhà và trực tiếp chế biến nấu ăn.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, suy đa tạng. Dựa trên thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, theo dõi liên cầu khuẩn lợn.
Các bác sĩ đã xử trí điều trị bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực như thở máy, duy trì thuốc vận mạch, kháng sinh phối hợp, lọc máu hấp phụ, bù dịch, điện giải… Kết quả nuôi cấy máu xác định dương tính với liên cầu khuẩn lợn.
Sau 8 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân đã thoát nguy kịch, sức khỏe ổn định, chỉ số nhiễm trùng cải thiện.
Theo các bác sĩ, hầu hết ca bệnh liên cầu khuẩn đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Hiện nay bệnh này chưa có vaccine, vì thế để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết. Nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.