Người chuyển giới với nước mắt và nụ cười

Đắc Chuyên| 27/11/2015 06:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chưa bao giờ Cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) Việt Nam lại có nhiều cảm xúc đan xen đến thế, họ cười nhưng nước mắt lại tuôn rơi... đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, sung sướng sau nhiều năm chờ đợi.

Con được công nhận là con gái rồi mẹ ơi!

Chị Lê Ánh Phong (tên khai sinh là Lê Quốc Phong, SN 1988, quê ở Quảng Ngãi) hiện đang công tác ở Hà Nội nói với tôi rằng, khi hay tin Quốc hội vừa thông qua Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), trong đó người chuyển giới được chính thức hợp pháp hóa chị đã khóc òa. Bản thân là một người chuyển giới khi biết tin này chị vô cùng sung sướng, vui mừng, mừng đến nỗi nước mắt chị tuôn rơi.

Người chuyển giới với nước mắt và nụ cười

Chị Lê Ánh Phong chia sẻ cảm xúc vui mừng khi biết tin Quốc hội thông qua Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), trong đó người chuyển giới được chính thức hợp pháp

Chị Phong kể, việc đầu tiên chị làm khi hay tin mừng là cầm điện thoại gọi về cho mẹ ở quê nhà Quảng Ngãi và nói: “Mẹ ơi con được công nhận là con gái rồi”. Vừa nghe con gái nói, mẹ chị Phong nghẹn ngào khóc nấc. Có lẽ, cả chị Phong và mẹ của mình phần nào đã giải tỏa, vơi bớt được những lo lắng về tương lai của một người con gái chuyển giới như Phong.

Từ nay, Phong sẽ được pháp luật công nhận là con gái, Phong có thể tự tin thể hiện bản thân mình mà không còn e ngại những ánh mắt dò xét, những lời nói dị nghị, hay cả sự “lệch pha” giữa những thông tin trong giấy tờ với ngoại hình hiện tại cũng không còn là vấn đề gây khó khăn, phiền toái cho Phong nữa.

Phong mừng, chị cười suốt trong cuộc trò chuyện với tôi. Tôi hiểu rằng, đằng sau nụ cười ngày hôm nay là những giọt nước mắt tủi hờn, chịu đựng những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần khi Phong dám sống thật với giới tính của mình. Khi Phong quyết định “lột xác” để trở thành một người con gái, đồng nghĩa với việc Phong chấp nhận những rủi ro lớn về sức khỏe, hao tổn về kinh tế. Nhưng, để được là chính mình, Phong chấp nhận tất cả, thậm chí đã có lúc Phong nghĩ đến việc sử dụng hoóc môn trôi nổi ngoài thị trường, dù trước đó bản thân chị đã biết về những cái chết có liên quan đến việc sử dụng loại hoóc môn này không đúng cách.

Rất may thời điểm đó, Phong đã được một người tốt mà Phong coi như cha của mình đưa Phong sang Thái Lan để được các bác sĩ tư vấn, thăm khám và phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Sau những ngày đau đớn tột cùng, Phong ngày hôm nay dịu dàng, nữ tính và luôn mong ước về một mái nhà tràn ngập tiếng cười trẻ thơ. Đặc biệt khi chị lập gia đình, gia đình của chị sẽ được cả xã hội công nhận, được pháp luật bảo hộ, và điều quan trọng hơn cả là chị được hưởng trọn niềm vui của một người chuyển giới.

Đường đi của tương lai

La Lam cô gái 20 tuổi chuyển giới từ nam sang nữ đến từ vùng đất Yên Bái xa xôi chia sẻ câu chuyện của mình một cách thoải mái, tự nhiên và không hề e ngại. Vốn là con trai nhưng từ nhỏ La Lam thích mặc đồ con gái, thích con trai và bắt đầu tìm hiểu về khái niệm đồng tính từ năm lớp 6 thông qua internet.

Người chuyển giới với nước mắt và nụ cười

La Lam vô cùng duyên dáng, xinh đẹp trong hình hài một người con gái

Đến năm lớp 9, La Lam mạnh dạn tỏ tình với một bạn trai cùng lớp. May thay, người bạn ấy không những không kỳ thị mà còn coi La Lam là một người bạn thân. Với người ấy, La Lam có thể chia sẻ suy nghĩ, tâm tư, tình cảm mà không sợ bị “rò rỉ” thông tin. La Lam không bị kỳ thị nên sống vui vẻ, tự tin. Hơn nữa, thời điểm đó, những người dân tộc Thái quê La Lam chỉ biết chăm chỉ trên cánh đồng Mường Lò vàng tươi màu lúa mới, chứ mấy ai biết và quan tâm đến chuyện đồng tính, hay dị tính.

Bố mẹ thấy La Lam ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, giỏi giang nên cũng nhanh chóng bỏ qua những biểu hiện “lạ” mà yên tâm cấy lúa, trồng khoai nuôi La Lam học hết THPT rồi đến đại học. La Lam yêu những chiếc váy, những món đồ trang điểm như yêu nghệ thuật nơi ngôi trường mình đang theo học vậy. 3 năm rèn rũa dưới mái trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội cũng là 3 năm La Lam dần “thoát xác” một người con trai để đến với hình hài một người con gái.

La Lam bắt đầu để tóc dài, sơn móng tay, tô son hồng… La Lam đẹp và La Lam có người yêu. Ước mơ của La Lam là sau khi ra trường, sẽ đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính để tự tin nói mình là con gái, để không còn cảnh chờ nhà vệ sinh khi không có người mới dám vào. Là La Lam mới chỉ có điều kiện chuyển đổi “giới tính” về ngoại hình nên mới thế. Hiện, La Na sống trong ký túc xá của trường nhưng vẫn là ký túc xá nam. La Lam tin tưởng rằng, với những quy định mới về pháp luật, tương lai La Lam sẽ là một người con gái như mình mong ước.

Mơ một hạnh phúc trọn vẹn

Tú lơ khơ tên thật là Nguyễn Ngọc Tú, 24 tuổi, con trai Hà Nội, lịch lãm và sang trọng. Nhìn Tú bây giờ mấy ai biết Tú từng là con gái, sau một cuộc “cách mạng” Tú trở thành con trai. Hôm nay, Tú cười nhiều, anh vui chung niềm vui của cộng đồng LGBT Việt Nam. Tuy nhiên, Tú còn băn khoăn chia sẻ: “Điều 37 của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chỉ có hiệu lực đối với những người chuyển giới đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Còn Tú chưa phẫu thuật, có nghĩa là chưa được công nhận”.

Người chuyển giới với nước mắt và nụ cười

Anh Lương Thế Huy (ngồi giữa), Giám đốc Chương trình Quyền LGBT, Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE)

Tú cho biết, thời điểm hiện tại anh là người chuyển giới nhưng chỉ chuyển giới về mặt hình thức chứ không muốn giải phẫu để được làm con trai. Cũng bởi, trong gia đình bố và anh trai Tú đã qua đời vì lý do sức khỏe, nên Tú không muốn đánh cược sức khỏe, tính mạng của mình vì bất cứ lý do gì. Tú không dùng hooc môn, lại càng không có ý định đi phẫu thuật chuyển giới. Tú đã có người yêu và dự tính sẽ kết hôn trong thời gian tới, tuy nhiên những khó khăn về mặt pháp lý khiến anh chưa thực hiện được mong muốn của mình.

Nói về vấn đề này, anh Lương Thế Huy, Giám đốc Chương trình Quyền LGBT, Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết, ở Việt Nam, có khoảng 2-3 triệu người chuyển giới. Trong số đó, chỉ có khoảng 20% người chuyển giới phẫu thuật chuyển giới, còn lại 80% không đủ tiền hoặc sức khỏe để phẫu thuật.

Đặc biệt, có những trường hợp không muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính ví dụ như trường hợp của anh Tú. Như vậy trong Điều 37 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) mới chỉ tính đến quyền lợi của một phần rất nhỏ trong nhóm chuyển giới. Trong khi đó, hầu hết người chuyển giới đều gặp rắc rối về giấy tờ, đó là chưa kể đến họ không được chấp nhận kết hôn…

Anh Huy, anh Tú bày tỏ mong muốn thời gian tới, luật pháp sẽ tiếp tục có những thay đổi để bảo vệ hơn 80% người chuyển giới nói riêng và cộng đồng nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người chuyển giới với nước mắt và nụ cười