Tư vấn pháp luật

Người chứng kiến cô gái bị sát hại nhưng “làm ngơ” có thể bị xử lý thế nào?

Đ. Việt - Mai Đỉnh 02/10/2023 18:02

Trên mạng xã hội đang có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông chứng kiến cô gái bị sát hại ở Thủ Đức nhưng “làm ngơ”, không có động thái nào giúp đỡ hoặc can ngăn mà lặng lẽ rời đi, bỏ mặc nạn nhân.

co-gai-bi-sat-hai-o-thu-duc.jpg
Hình ảnh camera gần hiện trường ghi rõ cảnh người đàn ông đứng xem nhưng không can ngăn mà lặng lẽ bỏ đi. Ảnh cắt từ clip

Được biết, vụ việc trên xảy ra bên trong chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, phường Tam Bình (TP Thủ Đức, TP. HCM) vào trưa ngày 30/9.

Nạn nhân là chị Tr (26 tuổi, quê Bến Lức, Long An), làm nghề bán rau củ trong chợ đầu mối.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 11h trưa 30/9, một người phụ nữ đi xe máy và chở nạn nhân đến khu vực bãi xe chở hàng trong chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, phường Tam Bình. Tại đây, cả hai có lời qua tiếng lại, xảy ra cãi vã to tiếng.

Sau đó người phụ nữ bất ngờ cầm con dao lao vào đâm chết cô gái rồi lên xe rời đi.

Vào cuộc xác minh, Cơ quan Công an đã bắt được nghi phạm gây án là Nguyễn Thị Ngọc Dung, 39 tuổi khi đang lẩn trốn ở nhà tại phường Hiệp Bình Phước.

Vụ việc đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) tiếp tục điều tra.

Điều đáng nói, thời điểm xảy ra sự việc, camera gần hiện trường ghi lại có sự chứng kiến của một người đàn ông nhưng người này lại "làm ngơ", sau đó lặng lẽ rời đi bỏ mặc người bị nạn.

Clip toàn cảnh vụ việc được camera gần hiện trường ghi lại.

Rất nhiều độc giả sau khi xem xong clip đã bày tỏ thái độ bức xúc và lên án hành vi vô cảm, dửng dưng và ích kỷ của người đàn ông này.

Nhiều độc giả đặt câu hỏi, trong tình huống nêu trên, người đàn ông không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ bị xử lý như thế nào?

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong vụ án mạng đau lòng nêu trên, xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông đã chứng kiến sự việc, song không hề có động thái cứu giúp mà bình thản rời đi, hành vi này khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ.

359687597_962598944990936_4016335213853506875_n.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Đồng

“Tình tiết này thể hiện sự thờ ơ, vô cảm của một bộ phận người trong xã hội, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, nhiều người sống ích kỷ và sống vô trách nhiệm”, luật sư Đồng bày tỏ.

Phân tích dưới góc độ pháp luật, Luật sư Đồng cho rằng, Cơ quan điều tra cần nhanh chóng xác định danh tính người đàn ông chứng kiến cảnh tượng giết người nhưng không cứu giúp nạn nhân để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, bởi hành vi này có dấu hiệu thành Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể điều luật quy định người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Vụ án này xảy ra vào thời điểm buổi trưa, hiếm hoi lắm mới có người xuất hiện đúng thời điểm xảy ra vụ giết người nhưng không những không cứu giúp nạn nhân, người này lại thờ ơ rời đi và kể cả lần thứ hai trở lại dù biết sự việc nhưng lại tiếp tục bình thản rời đi. Đây là hành vi thể hiện sự vô cảm, ích kỷ", luật sư Đồng nêu ý kiến.

Điều 132 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” như sau:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(2) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người chứng kiến cô gái bị sát hại nhưng “làm ngơ” có thể bị xử lý thế nào?