Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời tiết như chiều lòng người đi du xuân. Những ngày này, tại đỉnh Ngàn Nưa thuộc làng Cổ Định, thị trấn Nưa (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) quần thể di tích lịch sử quốc gia “Núi Nưa – Đền Nưa – Am Tiên” là một địa danh nổi tiếng thu hút du khách bốn phương. Nơi đây thờ Bà Triệu, là một trong ba huyệt đạo linh thiêng bậc nhất cả nước.
Năm nay, tuyến đường nối TP Thanh Hóa lên đường Nghi Sơn- Sao Vàng đã thông toàn tuyến, việc di chuyển từ trung tâm lên đầu thị trấn Nưa chỉ còn khoảng 10 phút đồng hồ. Thời tiết nắng đẹp nên dòng người đổ về Am Tiên chật như nêm. Ai cũng muốn tìm về cõi thiêng này để cầu khấn một năm mưa thuận, gió hòa, bình an vô sự, thuận lợi trong kinh doanh, gia đình ấm êm…
Đường lên Am Tiên với hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi
Theo sử sách còn lưu, vào năm 248, vua bà Triệu Thị Trinh cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt dấy binh khởi nghĩa, chống lại ách đô hộ tàn bạo của giặc Ngô phương Bắc, đã chọn đỉnh Ngàn Nưa làm nơi đóng quân tập luyện quân binh. Trải qua hàng ngàn năm vật đổi sao dời, “bãi lúa nương dâu”, những thành lũy, trại binh, thao trường luyện tập đã không còn. Nhưng trên đỉnh Ngàn Nưa bốn mùa mây phủ sương giăng, nơi quần thể di tích linh thiêng đền Nưa – Am Tiên, vẫn còn văng vẳng câu nói bất hủ của Bà Triệu: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ngoài biển đông, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”.
Bãi xe chật như nêm
Nơi đây, bên cạnh những công trình tâm linh do con người xây dựng, tôn tạo, vẫn còn đó những dấu vết, truyền thuyết xưa kỳ ảo “nửa hư, nửa thực” như bàn cờ tiên, vườn thuốc nam, giếng Tiên, bãi luyện quân… nếu đến đây, du khách vẫn có thể tận mắt ngắm nhìn tảng đá lớn, dấu vết của bàn cờ tiên. Và nhất là ghé thăm giếng tiên, trải qua bao thời gian nhưng vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù ở tít trên đỉnh núi cao nhưng quanh năm luôn đầy ắp nước mát rượi, trong veo.
Nhiều người tranh thủ ngày nghỉ cuối cùng để du xuân
Thú vị hơn nữa, khu di tích cấp quốc gia đền Nưa – Am Tiên, nơi giao thoa giữa đất và trời này, mặc dù đã qua trùng tu, tôn tạo, lại luôn đông đảo du khách hành hương vào mỗi mùa lễ hội. Nhưng gần như chưa bị thương mại hóa, vẫn giữ được nét hoang sơ, cổ kính với rừng núi điệp trùng. Từ trên đỉnh núi, nơi trung tâm huyệt đạo linh thiêng, du khách có thể phóng tầm mắt xa khắp bốn phương, ngắm những con đường uốn lượn, những nếp nhà nép mình dưới bóng cây, những thửa ruộng, mảnh vườn xanh mướt cùng xóm, làng trù phú miên man bao quanh chân núi.
Thời tiết nắng đẹp, ủng hộ du khách tới Am Tiêm
Lễ hội đền Nưa – Am Tiên chính thức được mở vào ngày mùng 9 Tết hàng năm, ngày “Mở cổng trời” (cho phép du khách lên thắp hương, cầu cúng khu huyệt đạo) và kéo dài đến ngày 20 tháng Giêng. Tuy nhiên, ngay từ những ngày mùng 2, mùng 3 Tết, khách hành hương đã nườm nượp trảy về đây để chiêm bái, thắp hương cầu xin cho quốc thái dân an, nhà nhà may mắn và cầu tài, cầu lộc, cầu đỗ đạt, cầu duyên, cầu tình...
Từ trên đỉnh Ngàn Nưa có thể quan sát toàn cảnh phía dưới
Theo ghi nhận của PV, kể từ ngày mùng 3 Tết (24/1), bãi giữ xe luôn đông nghịt, khách hành hương chen vai thích cánh, đông đến nỗi người nọ vái vào lưng người kia, các bàn công đức, viết sớ luôn hoạt động hết công suất, các mâm lễ vật ngồn ngộn sắp thành dãy dài chờ dâng cúng, những hàng quán ăn uống tấp nập thực khách... Tuy nhiên, dù đông đúc, nhưng cảnh chen lấn, xô đẩy, cảnh “chặt chém” vẫn hầu như không xảy ra, mọi việc vẫn diễn ra trong trật tự.
Nơi đây có huyệt đạo linh thiêng
Dòng người trật tự di chuyển theo con đường nhỏ dẫn lên đỉnh núi, nơi huyệt đạo thiêng. Theo truyền miệng thì nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng quanh huyệt đạo, khi đi chắp tay hình hoa sen, cầu nguyện điều thiện lành sẽ được ứng nghiệm. Chính vì thế, đây là địa điểm không thể bỏ qua của du khách khi tới Am Tiêm du ngoạn.