Giáo dục

Ngọn đuốc tri thức: Những giá trị bất biến của người thầy

Minh Anh 18/11/2024 - 08:42

Trong hành trình khai sáng tri thức, người thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn là ngọn đuốc soi đường cho nhiều thế hệ học trò. Trong lịch sử giáo dục của đất nước, có rất nhiều tấm gương nhà giáo mẫu mực, được các thế hệ học trò ca ngợi, tôn vinh với đủ ba yếu tố: Tâm, tầm và tài. Những "người chèo đò" vĩ đại ấy đã có những đóng góp to lớn cho nền giáo dục nước nhà và được lưu danh sử sách. Cũng từ những giá trị bất biến đó, giáo dục ngày nay được kế thừa, gìn giữ, phát huy và tạo nên những giá trị mới cho thế hệ mai sau.

tri-thuc.jpg

Di sản của ngành giáo dục – Giá trị vàng son của cả dân tộc

Nền giáo dục Việt Nam không ngừng phát triển nhờ những giá trị bền vững được hun đúc qua nhiều thế hệ. Những tấm gương nhà giáo mẫu mực, hội tụ với đủ ba yếu tố: Tâm, tầm và tài đã để lại cho thế hệ sau những di sản quý báu. Không chỉ trong việc truyền dạy tri thức mà còn trong việc xây dựng nhân cách và lý tưởng sống.

Nhiều tấm gương về sự mẫu mực của đạo đức và sự chính trực vẫn không ngừng lan tỏa giá trị giáo dục trên bầu trời tri thức. Điển hình là nhà giáo Chu Văn An (1292 -1370). Với ông, tri thức chỉ thực sự có giá trị khi gắn liền với đạo đức. Ông từng dâng "Thất trảm sớ" lên vua Trần, đề nghị xử tội những kẻ nịnh thần, thể hiện lòng dũng cảm đấu tranh vì lẽ phải. Đó vừa là bài học về sự chính trực vừa là lời khẳng định: Giáo dục không chỉ đào tạo người có học vấn, mà còn phải nuôi dưỡng những con người biết sống công bằng và nhân văn.

Với những đóng góp to lớn của mình cho nền Giáo dục nước nhà, Chu Văn An được tôn vinh là “ Vạn thế sư biểu”, người thầy muôn đời của Việt Nam. Ông là một trong những bậc hiền nhân được thờ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Văn bia ở nơi đây cũng khắc ghi sự nghiệp của ông để người đời mãi nhớ về ông.

Trong cuộc sống mỗi con người, ai cũng sẽ gặp những khó khăn, vất vả, những thử thách. Nhưng nếu vượt qua được thì thành công luôn ở phía cuối con đường. Như nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) – một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Dù mất đi ánh sáng đôi mắt, ông vẫn tiếp tục sự nghiệp giáo dục và sáng tác văn học, để lại những tác phẩm bất hủ như Lục Vân Tiên, Chạy giặc.

Trong sự nghiệp dạy học, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn khơi dậy trong học trò tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí kiên cường. Ông cho rằng giáo dục không chỉ là truyền đạt tri thức còn là việc khơi nguồn cảm hứng để mỗi người tự tìm thấy giá trị bản thân trong cuộc đời. Tinh thần "tàn nhưng không phế" của Nguyễn Đình Chiểu đã để lại bài học lớn lao cho thế hệ sau: Giáo dục không chỉ là việc học kiến thức mà còn là hành trình vượt qua khó khăn để vươn tới những giá trị cao đẹp.

Hồ Chí Minh (1890 -1969), vị lãnh tụ vĩ đại, cũng là một nhà giáo dục tài ba với tư tưởng mang tính cách mạng trong giáo dục. Người luôn nhấn mạnh rằng mục tiêu cuối cùng của giáo dục là đào tạo những con người vừa "hồng" vừa "chuyên" – tức vừa có đạo đức, vừa có tài năng. Bác từng nói: "Hiền dữ đâu phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên."

bac-ho.jpg
Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng đến việc xây dựng con người toàn diện, có lý tưởng, biết yêu nước, thương dân và sống vì cộng đồng.(Ảnh tư liệu)

Người khẳng định giáo dục không chỉ là việc dạy chữ, mà còn phải dạy người. Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng đến việc xây dựng con người toàn diện, có lý tưởng, biết yêu nước, thương dân và sống vì cộng đồng. Người cũng nhấn mạnh vai trò của giáo viên – những "kỹ sư tâm hồn." Theo Bác, một người thầy giỏi không chỉ giảng dạy tốt mà còn phải là tấm gương đạo đức, sống mẫu mực để học trò noi theo.

Những giá trị mà các nhà giáo tiêu biểu của Việt Nam để lại không chỉ là di sản riêng của ngành giáo dục mà còn là bài học nhân văn sâu sắc. Trong thời đại ngày nay, khi giáo dục đối mặt với nhiều thách thức, việc quay trở lại những tư tưởng ấy càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Những giá trị ấy không chỉ gói gọn trong lớp học mà còn lan tỏa đến toàn xã hội, trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ nhà giáo và học trò.

Đó là lời nhắc nhở rằng: Dù thời đại có đổi thay, mục tiêu cuối cùng của giáo dục vẫn luôn là đào tạo những con người có tri thức, đạo đức và lý tưởng – như những ngọn đuốc sáng mãi trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

Giáo dục hiện đại – Nối tiếp và phát huy truyền thống

Trong bối cảnh hiện đại, giáo dục đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, và những đòi hỏi về sự đổi mới đặt ra bài toán phải làm sao để vừa kế thừa di sản của cha ông, vừa tạo nên những giá trị mới.

Dù thời đại có đổi thay, vai trò của người thầy trong việc giáo dục nhân cách vẫn không thể thay thế. Kế thừa tinh thần của các nhà giáo lão thành, giáo dục hiện đại đã và đang xây dựng đội ngũ giáo viên mẫu mực, không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là những tấm gương đạo đức. Giáo dục không thể chỉ dừng ở việc dạy kiến thức, phải hướng tới việc hình thành những con người biết yêu thương, sống trách nhiệm, có lý tưởng. Tinh thần đó không chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân mà cần được lan tỏa trong cả hệ thống giáo dục. Người thầy không chỉ là người truyền đạt mà còn là người dẫn dắt, khơi gợi đam mê học hỏi, khả năng tự phát triển của học sinh.

Giáo dục hiện đại luôn hướng tới việc đào tạo công dân toàn cầu, nhưng không quên giữ gìn bản sắc văn hóa và những giá trị cốt lõi của dân tộc. Tư tưởng "học để làm người" của Chu Văn An hay tinh thần yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu vẫn là bài học quý giá trong việc xây dựng thế hệ trẻ có tinh thần dân tộc, biết trân trọng, tự hào về lịch sử, truyền thống của đất nước.

Nếu các bậc tiền nhân dạy học với bảng phấn, những cuốn sách cũ, thì ngày nay, giáo dục hiện đại có sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến. Nhưng điều cốt lõi vẫn là truyền đạt được giá trị, chứ không chỉ thông tin. Công nghệ cần được sử dụng như một công cụ để nâng cao hiệu quả giảng dạy, chứ không thay thế sự tương tác giữa thầy và trò – một giá trị mang tính truyền thống của các thế hệ trước để lại.

ly-do-hoc-lien-thong-dai-hoc-chinh-quy-1.jpg
Giáo dục hiện đại luôn hướng tới việc đào tạo công dân toàn cầu, nhưng không quên giữ gìn bản sắc văn hóa và những giá trị cốt lõi của dân tộc.

Những giá trị các bậc tiền nhân để lại không chỉ giúp chúng ta nhìn lại mà còn định hướng cho tương lai. Trong sự phát triển không ngừng, giáo dục hiện đại cần giữ vững cốt lõi của truyền thống. Đó là: Lấy con người làm trung tâm. Lấy nhân cách làm nền tảng. Lấy tinh thần cống hiến làm kim chỉ nam.

Chỉ khi làm được như vậy, nền giáo dục mới có thể vừa hiện đại hóa, vừa giữ được bản sắc riêng, đáp ứng những đòi hỏi của thời đại mà không đánh mất những giá trị bền vững đã được các thế hệ trước dày công vun đắp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngọn đuốc tri thức: Những giá trị bất biến của người thầy