Đền Canh xã Đức Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) có lịch sử gần 400 năm là một trong những điểm tâm linh của Nghệ An. Người dân địa phương đã tổ chức cầu nguyện hàng năm với hy vọng được thần linh bảo vệ và che chở.
Theo truyền thuyết kể lại, ở làng Xuân Hòa, có vợ chồng ông Hoàng Phúc Hựu và bà Vũ Thị Quyên hiền lành, phúc hậu nhưng lấy nhau đã lâu vẫn chưa có con. Một lần, bà Quyên tắm ở bàu Canh và sau đó mang thai. Tuy nhiên, khi lâm bồn, bà sinh ra 2 quả trứng. Dù hoang mang, 2 vợ chồng vẫn quyết định ấp trứng, rồi từ đó 2 con rắn nở ra, được đặt tên là Hoàng Tiến Sơn và Hoàng Tiến Kỳ.
Một hôm, 2 con rắn theo ông Hựu ra đồng. Trong lúc ông Hựu đào đất, đắp bờ, 2 con rắn vui đùa tung tăng dưới nước, ngay chỗ ông Hựu làm việc. Không may, lưỡi thuổng của ông Hựu đang dùng làm việc chặt đứt đuôi 1 con rắn.
Tức giận, 2 con rắn bỏ về nhà. Khi ông Hựu quay trở về thì thấy 2 con rắn treo mình trên cổng, nghển cổ định mổ nên ông quỳ lạy 3 lần xin tha. 2 con rắn không báo thù nhưng bỏ đi.
Theo lời kể, rắn anh bơi qua bàu Canh, để lại một giọt máu trước khi lên núi và hóa linh tại ngàn Thượng. Rắn em xuôi theo bàu Ác, về làng Diệu Ốc rồi mất tại đó. Dân gian lưu truyền câu: “Ông Cụt bàu Canh, ông Lành bàu Ác” để nhắc nhớ sự kiện này.
Sau khi 2 con rắn bỏ đi, vợ chồng ông Hựu thương nhớ, quyết định lên đường tìm kiếm. Họ kiệt sức và qua đời tại 2 địa điểm, nay được gọi là Ngàn Ông, Ngàn Bà.
Đến nay, tại đền Canh, người dân tin rằng ông Cụt đã hóa thành vị thần linh thiêng, che chở dân làng. Tương tự, nơi ông Lành hóa linh chính là đền Đức Hoàng, nơi thờ Sát Hải đại tướng quân Hoàng Tá Thốn, công chúa Bạch Y và thần rắn. Đây là địa điểm tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Ông Hồ Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An cho biết: Tục thờ rắn là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ và được lưu truyền, hiện khá phổ biến ở vùng châu thổ Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nam bộ. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn liền với điều kiện sông nước, đầm phá, ao hồ, khe suối.
Bên cạnh đó, nền sản xuất nông nghiệp cần tới nước để tưới tiêu nên người dân rất tôn sùng nước. Vì tôn sùng nước và cần một thế lực đủ mạnh để cai quản nguồn nước, dẫn đến tục thờ rắn, vốn được xem là đại diện cho thủy thần.
Không chỉ đền Canh và đền Đức Hoàng, mà tại Yên Thành và Diễn Châu còn có ít nhất 7 ngôi đền thờ thần rắn, phản ánh đậm nét tín ngưỡng dân gian lâu đời.
Riêng ở các đền thờ này, theo câu chuyện dân gian lưu truyền, các bản sắc phong và thần tích ghi lại, đều gắn với tích “ông Lành, ông Cụt”, dù một số tình tiết có khác nhau.
Trong các huyền tích lưu truyền, người dân tin “ông Lành, ông Cụt” vốn là long xà, phụng mệnh thiên đình đầu thai xuống hạ giới, được phong thánh, có thể hiển ứng thần thông, hô phong, đảo vũ, giúp người dân tránh đại họa hạn hán, lũ lụt.