Ngày 6/12, thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết, vừa cấp cứu thành công cho nam bệnh nhân bị ngộ độc thuốc gây tê (Lidocain) do mổ bóc u bã đậu.
Theo đó, bệnh nhân là anh Lê Văn N. (31 tuổi, quê Quảng Bình) được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng choáng, vã mồ hôi, lơ mơ, tụt huyết áp, nhịp tim rối loạn.
Khai thác bệnh sử, được biết trước đó bệnh nhân đang thực hiện tiểu phẫu bóc u bã đậu ở một phòng khám tư nhân thì đột nhiên xuất hiện các triệu chứng trên, bác sĩ phòng khám ngay lập tức xử trí theo phác đồ sốc phản vệ nhưng không cải thiện.
Qua xét nghiệm, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc xác định bệnh nhân bị ngộ độc thuốc gây tê (Lidocain).
Ngay lập tức, các bác sĩ truyền nhũ tương Lipid trung hòa Lidocain trong máu, điều chỉnh toan máu, bù dịch, điều chỉnh rối loạn nhịp tim cho bệnh nhân. Sau 2 giờ cứu chữa, anh N. đã qua cơn nguy kịch.
Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện
Theo BS Phạm Hữu Huyền – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Lidocain là thuốc gây tê được sử dụng nhiều không chỉ ở bệnh viện mà còn ở các phòng khám tư để thực hiện các tiểu phẫu như nhổ răng, mổ bóc u... Trường hợp ngộ độc thuốc nếu không được chẩn đoán chính xác và xử trí kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao.
Khi bệnh nhân có các biểu hiện ngộ độc, cần ngưng ngay lập tức việc tiêm thuốc tê và xử lý theo phác đồ điều trị với biện pháp ưu tiên hàng đầu là truyền tĩnh mạch dung dịch nhũ tương lipid 20%. Một vấn đề đáng lo ngại là sự ngộ nhận về “sốc phản vệ thuốc tê" ở người đang sử dụng thuốc tê trong công việc hàng ngày, nhất là những người không thuộc chuyên ngành gây mê hồi sức.
Theo các bác sĩ, thuốc tê rất hiếm gây ra tình trạng phản ứng phản vệ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng “sốc phản vệ thuốc tê” rất hiếm gặp hoặc thực sự không có. Bệnh lý của ngộ độc thuốc tê (tính độc thuốc tê theo liều lượng và cơ địa) khác hoàn toàn với “sốc phản vệ” (phản ứng phản vệ thông qua cơ chế miễn dịch không phụ thuộc vào liều). Do đó phác đồ điều trị khác nhau. Việc ngộ nhận có thể dẫn tới sử dụng phác đồ điều trị sai, gây hậu quả nghiêm trọng.