Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 có nhiều điểm mới trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung đã tác động đến cơ chế tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Kể từ thời điểm Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực (ngày 1/7/2018), một vụ việc dân sự khởi kiện ra Tòa án yêu cầu phải bồi thường sẽ được điều chỉnh đồng thời bởi Luật THADS (theo cơ chế bảo đảm tài chính) và Luật TNBTCNN (theo cơ chế bồi thường nhà nước).
Hiện nay đang tồn tại hai cơ chế thi hành nghĩa vụ bồi thường của cơ quan nhà nước theo bản án, quyết định của Tòa án đó là: bồi thường nhà nước (áp dụng Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết) và bảo đảm tài chính (áp dụng Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật TNBTCNN năm 2009: “cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự là cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại”. Cùng với đó là quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường, theo đó, người yêu cầu bồi thường trước tiên phải nộp đơn cùng tài liệu đến cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại. Cơ quan THADS có trách nhiệm giải quyết bồi thường sẽ thụ lý, giải quyết bồi thường. Hết thời hạn ban hành Quyết định giải quyết bồi thường mà cơ quan THADS không ban hành hoặc ban hành nhưng người yêu cầu bồi thường không đồng ý với nội dung Quyết định giải quyết bồi thường thì người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện ra Tòa án (khoản 1 Điều 22 Luật TNBTCNN năm 2009). Sau khi Tòa án xét xử, trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên buộc cơ quan THADS phải bồi thường cho người yêu cầu bồi thường, lúc này, việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nêu trên được áp dụng trình tự, thủ tục bồi thường nhà nước để thực hiện (cơ quan THADS có trách nhiệm bồi thường sẽ lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường gửi Tổng cục THADS để thẩm định, đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí - Điều 54 Luật TNBTCNN năm 2009).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC: “Trường hợp nghĩa vụ thi hành án của cơ quan, tổ chức phát sinh do người thi hành công vụ gây ra và đã được giải quyết theo trình tự, thủ tục bồi thường nhà nước thì việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước”.
Như vậy, trong trường hợp người yêu cầu bồi thường hoặc cơ quan THADS có trách nhiệm bồi thường không thực hiện đúng và đầy đủ trình tự, thủ tục theo pháp luật bồi thường nhà nước trước khi bản án, quyết định của Tòa án về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của cơ quan THADS có hiệu lực thì lúc này, việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án được áp dụng trình tự, thủ tục bảo đảm tài chính để thực hiện.
Điều 39 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định các cơ quan sau là cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động THADS: Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự; Cơ quan Thi hành án quân khu và tương đương; Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự.
Khoản 1 Điều 52 quy định: “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong các trường hợp sau đây:
a) Người yêu cầu bồi thường chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường; b) Người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 của Luật này”.
So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi toàn diện các quy định về thủ tục giải quyết bồi thường. Bên cạnh việc rút ngắn thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường, quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về hồ sơ yêu cầu bồi thường, thụ lý hồ sơ, cử người giải quyết bồi thường,... Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung cơ chế giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường, giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự và tố tụng hành chính tại Tòa án. Khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường mà không bắt buộc phải nộp đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Như vậy, phạm vi giải quyết bồi thường của Nhà nước theo đó sẽ mở rộng hơn, bao gồm cả những trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường trong một số trường hợp mà nếu theo quy định hiện hành sẽ giải quyết theo trình tự, thủ tục bảo đảm tài chính sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày 1/7/2018, một vụ việc dân sự về yêu cầu bồi thường giải quyết tại Tòa án sẽ được điều chỉnh đồng thời bởi Luật THADS và Luật TNBTCNN. Theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Do đó, kể từ ngày 1/7/2018, nghĩa vụ bồi thường của cơ quan nhà nước theo bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện ngay ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết (khoản 1 Điều 52 Luật TNBTCNN) được áp dụng Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành để thực hiện. Từ ngày 1/7/2018 trở về sau, phạm vi áp dụng cơ chế bảo đảm tài chính đối với nghĩa vụ bồi thường của cơ quan nhà nước theo bản án, quyết định của Tòa án sẽ loại trừ thêm trường hợp quy định tại Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017 (người bị thiệt hại khởi kiện ngay ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường).