Đời sống

Nghĩa tình thầy thuốc nơi biên cương

Tuyết Nhung 27/02/2024 07:10

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ nơi phên dậu của Tổ quốc, những thầy thuốc mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (Bộ đội Biên phòng Hà Giang) đã góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe. Hằng ngày, các chiến sĩ không quản khó khăn đến tận các thôn, bản xa xôi thực hiện công việc chăm lo sức khỏe cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Qua đó giúp đỡ đồng bào dân tộc có cuộc sống tốt hơn, phát triển kinh tế tạo nên vành đai biên giới vững chắc, thắm đượm tình quân dân.

quan-y-min.jpg
Quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân.

Xuất phát từ tấm lòng luôn hướng về đồng bào nơi biên cương, ngày 10/1, tại Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang tổ chức Chương trình 'Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản'. Chương trình diễn ra với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian do cán bộ, chiến sĩ biên phòng và nhân dân trên địa bàn xã biểu diễn. Đặc biệt, quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang cũng đã tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn.

2626.jpg
Những gian hàng 0 đồng cho bà con.

Thiếu tá Kim Đình Quý, nhân viên Quân y, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, cho biết, khi được điều động về nhận công tác ở đồn Biên phòng Sơn Vĩ, ông thường xuyên đi bám nắm địa bàn cùng với các anh em ở đội vận động quần chúng. Nhận thức của bà con nhân dân ngày đó còn rất hạn chế, các hủ tục mê tín vẫn còn.

Sau khi tổ công tác của đồn trong đó có quân y, "3 bám, 4 cùng" với nhân dân, thường xuyên tuyên truyền cho bà con biết về các loại bệnh, dịch bệnh, sau đó cấp phát thuốc và khám, chữa bệnh cho nhiều người khỏi ốm cho nên bà con đã tự giác dần dần. Cho đến nay, nhân dân tại đây đã nâng cao nhận thức, loại bỏ được các hủ tục lậu hậu, cuộc sống của nhân dân dần được nâng cao.

Với đặc thù của một địa phương còn nghèo, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, các chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương, càng đòi hỏi y đức, tấm lòng của người thầy thuốc, phải tận tâm, tận lực, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.

Thấm nhuần tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các chiến sĩ quân y của Đồn Biên phòng Sơn Vĩ luôn ghi nhớ và làm theo lời Bác dạy: “Lương y phải như từ mẫu”.

Công việc khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề.

quan-y4-min.jpg
Thiếu tá Kim Đình Quý và các nhân viên Quân y, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ thăm khám sức khỏe cho người dân.

Với tấm lòng của người chiến sĩ quân y mang trên mình quân hàm xanh, bằng những việc làm cụ thể, các anh luôn được nhân dân yêu mến, tin tưởng. Trong khám và điều trị bệnh cho nhân dân, với cái tâm của người cán bộ Quân y, các anh không ngại khó khăn, gian khổ, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, khi nghe tin người dân bị bệnh hoặc những hộ gia đình neo đơn không có phương tiện đến trạm y tế khám, các anh đã trực tiếp đến khám bệnh cho bệnh nhân tại nhà và cấp thuốc miễn phí.

Qua trao đổi chúng tôi được biết thêm, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ quản lý địa bàn xã Sơn Vĩ là xã đặc biệt khó khăn, với tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 60%. Bên cạnh đó, do trình độ nhận thức của các bậc phụ huynh không đồng đều, vì vậy, nhiều gia đình ít quan tâm đến việc học chữ của con em mình, không tạo được động lực để các cháu vươn lên trong học tập, thậm chí phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ trong cuộc sống hằng ngày.

Nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi cả cha lẫn mẹ, các cháu không có cơ hội được đến trường để chắp cánh những ước mơ. Qua thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, đơn vị đã nhận hỗ trợ về vật chất, kinh phí để “nâng bước” các con em đồng bào dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện tham gia theo học tập và vượt khó.

quan-y2-min.jpg
Những lời hỏi han tâm tình, dặn dò của chiến sĩ khiến bà con cảm thấy ấm áp và phấn khởi.

Ban Chỉ huy Đồn xác định các em như những “đứa con” của đồn Biên phòng. Những cán bộ, chiến sĩ là những người cha đúng nghĩa. Để nuôi các em, ngoài những khoản đóng góp của những nhà hảo tâm, cán bộ chiến sĩ cũng tự nguyện quyên góp từ tiền lương hàng tháng để lập quỹ.

Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các con tuổi mới lớn, Đồn phân công các cán bộ thường xuyên chăm sóc, gần gũi các con. Với những chuyện tế nhị, khó nói, các ông bố biên phòng nhờ cô giáo hay vợ những người lính sống gần đồn đến giảng giải, chia sẻ với các con.

con-nuoi3-min.jpg
Các chiến sĩ của Đồn Biên phòng Sơn Vĩ chăm lo cho các con em đồng bào dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện tham gia theo học tập và vượt khó.

Sau khi làm con nuôi bộ đội, giờ lũ trẻ không chỉ sống vui vẻ, hoạt bát, hòa đồng mà còn tiến bộ vượt bậc trong mọi mặt. Nhờ sự chăm nuôi, chỉ dạy chu đáo của những ông bố mang quân hàm xanh, hầu hết các cháu là con nuôi đồn biên phòng ở nơi đây đều có tác phong sinh hoạt nề nếp, đạt được kết quả học tập tốt. Không chỉ tự lập, chăm chỉ học tập, các em còn giúp đỡ các chiến sĩ vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm tối, tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể của đơn vị.

Ðến với mảnh đất biên giới Hà Giang, ở nơi đâu chúng tôi cũng nghe được những câu chuyện cảm động về tình quân dân, về sự gắn bó mật thiết của đồng bào các dân tộc nơi biên giới với các chiến sĩ biên phòng. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thì việc chăm lo sức khỏe cho đồng bào các dân tộc là một trong những hoạt động được Đồn Biên phòng Sơn Vĩ ưu tiên nhất. Chính vì vậy, các thầy thuốc quân hàm xanh luôn xác định, người dân khỏe cũng góp phần quan trọng trong việc giúp bộ đội bảo vệ vững chắc dải đất biên cương, bảo vệ đường biên, cột mốc.

con-nuoi2.jpg
Các ông bố biên phòng tận tụy hướng dẫn, chăm sóc các con ngoài giờ lên lớp.

Với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, các chiến sỹ bộ đội biên phòng không những giúp đỡ, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, mà còn là chỗ dựa tin cậy trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con mỗi khi ốm đau, bệnh tật.

Những việc làm cụ thể, ý nghĩa ấy thể hiện tình cảm, sự đoàn kết, gắn bó giữa quân với dân, tạo niềm tin sâu sắc trong lòng đồng bào các dân tộc. Những thầy thuốc mang quân hàm xanh nơi biên giới luôn gần gũi với quần chúng nhân dân, khi nhân dân cần các anh luôn có mặt và cứu chữa kịp thời. Bằng trái tim của người thầy thuốc và tinh thần của người lính quân y, các anh tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của những người lính Bộ đội cụ Hồ.

con-nuoi-min.jpg
Hướng dẫn các con tăng gia sản xuất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa tình thầy thuốc nơi biên cương