Ngày 7/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết do Nga đệ trình về cấm triển khai vũ khí đầu tiên trong không gian vũ trụ.
Nghị quyết, có tên đầy đủ là “Không triển khai vũ khí đầu tiên trong không gian vũ trụ”, thúc giục tất cả các thành viên Liên hợp quốc, nhất là những quốc gia “có năng lực vũ trụ”, cân nhắc khả năng “thúc đẩy một cách phù hợp cam kết chính trị về việc không trở thành nước đầu tiên triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ”.
Theo văn kiện trên, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ hối thúc khởi động sớm hành động thực chất dựa trên cơ sở dự thảo hiệp ước cập nhật về cấm triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ.
Bản dự thảo hiệp ước này đã được Trung Quốc và Nga đưa ra tại Hội nghị Giải trừ quân bị năm 2008 nhằm mục đích ngăn chặn nguy cơ chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ, đồng thời coi đây là nhiệm vụ cấp thiết.
Sáng kiến của Nga đã nhận được 122 phiếu thuận, 50 phiếu chống và 4 phiếu trắng.
Trước đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 6/12 đã thông qua 4 dự thảo nghị quyết nhằm cải thiện bộ máy cứu trợ nhân đạo đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ gần 400 triệu người đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng trên khắp thế giới.
Cụ thể, khi thông qua nghị quyết "Tăng cường phối hợp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp của Liên hợp quốc", Đại hội đồng tái khẳng định các nguyên tắc của nghị quyết 46/182 mang tính bước ngoặt, trong đó khuyến khích cộng đồng quốc tế hỗ trợ các quốc gia thành viên chuẩn bị ứng phó với các thảm họa. Nghị quyết cũng khuyến khích phát triển các hệ thống cảnh báo đa nguy cơ và ghi nhận thành tích của CERF.
Trong khi đó, với nghị quyết "Hợp tác quốc tế về hỗ trợ nhân đạo trong lĩnh vực thiên tai, từ cứu trợ đến phát triển", Đại hội đồng Liên hợp quốc ghi nhận mối quan hệ giữa ứng phó khẩn cấp, phục hồi và phát triển, cũng như sự cần thiết phải đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ giữa 3 giai đoạn.
Còn theo các điều khoản của nghị quyết "Hỗ trợ người dân Palestine", hội đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của hỗ trợ khẩn cấp và nhân đạo ở Dải Gaza và sự cần thiết phải thúc đẩy tái thiết khu vực này.
Theo các điều khoản của nghị quyết thứ 4 "An toàn và an ninh của nhân viên nhân đạo và bảo vệ nhân viên Liên hợp quốc", hội đồng lên án mạnh mẽ mọi hành vi bạo lực và đe dọa đến nhân đạo, đồng thời kêu gọi các quốc gia tăng cường các biện pháp giám sát, báo cáo và điều tra có hệ thống hơn với các cuộc tấn công.