Nghị lực phi thường của “Người thầy da cam”

Tùng Anh| 20/11/2022 21:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần 25 năm qua, hình ảnh “Người thầy da cam” Đào Thanh Hương vẫn ngày ngày đạp xe đến trường, miệt mài đứng trên bục giảng đã truyền cảm hứng, “thắp lửa” nghị lực vượt khó vươn lên cho bao thế hệ học sinh.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi đến thăm thầy giáo Đào Thanh Hương (giáo viên Trường THCS Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đúng lúc thầy đang say sưa giảng bài “Quê hương” của nhà thơ Tế Hanh cho các em học sinh lớp 7A. Giọng thầy trầm ấm vang lên, những ánh mắt háo hức của học trò lắng nghe thầy giảng rồi sôi nổi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ, không khí lớp học vô cùng hào hứng và tích cực. Chứng kiến hình ảnh một người thầy khuyết tật đứng trên bục giảng, truyền cảm hứng, “thắp lửa” cho học sinh khiến chúng tôi rất xúc động.

1.jpg

“Người thầy da cam” Đào Thanh Hương

Tranh thủ giờ giải lao, trò chuyện với chúng tôi, thầy Đào Thanh Hương chia sẻ: “Hành trình 25 năm dạy học không thể kể hết những niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Với một thầy giáo bị khuyết tật như tôi được đứng trên bục giảng thì ngoài tri thức, lòng say nghề, sự nỗ lực quyết tâm của bản thân, còn có sự chia sẻ, giúp đỡ của gia đình, nhà trường, sự tin tưởng của phụ huynh và cả sự yêu mến của các em học sinh”.

Thầy Hương sinh ra và lớn lên ở xã Đa Lộc - vùng quê ven biển với những Hanh Cát, Hanh Cù gắn liền hình ảnh mẹ Tơm. Do ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, thầy Hương từ khi sinh ra đã bị khuyết đôi bàn chân và một phần cánh tay trái.

2(1).jpg
3.jpg
25 năm qua, thầy Hương miệt mài với sự nghiệp “trồng người”

Ngày thơ ấu, do không được lành lặn như bao bạn bè khác nên việc học tập của thầy Hương khi ấy gặp không ít khó khăn. Khi chập chững tập đi, vì không có đôi bàn chân nên Hương cứ bước đi là ngã, thậm chí vùng da chân tiếp xúc với mặt đất còn tóe máu và dần trở nên chai sạn, sần sùi. Rồi đến những năm tháng đi học, biết bao lần Hương bật khóc vì ngã xe đạp, có khi còn bị bạn bè trêu chọc là “không tay, không chân”. Tuy rằng mặc cảm, nhưng không vì thế mà Hương đánh mất ý chí và niềm tin vào cuộc sống.

Bằng tất cả sự cố gắng, chàng trai trẻ Đào Thanh Hương tích cực tập luyện, học tập, vượt qua gian khó để theo đuổi ước mơ làm thầy giáo. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đào Thanh Hương nhiều lần đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Văn các cấp. Đặc biệt, năm lớp 12 thầy đạt giải C toàn quốc cuộc thi thơ văn tuổi học trò. Không chỉ vậy, Đào Thanh Hương còn là cây viết quen thuộc với bạn đọc trên các ấn phẩm: Hoa Học Trò, Tập san Phấn thông vàng.

Cũng vì yêu thích và có năng khiếu về thơ ca, văn chương, nên thầy Hương đã chọn nghề giáo viên dạy môn Ngữ Văn. Tốt nghiệp đại học năm 1998, thầy Hương được điều động công tác về Trường THCS Đa Lộc dạy học.

Nhớ lại ngày đầu tiên đi dạy, thầy Hương không giấu nổi sự xúc động: “Đó là vào ngày 5/9/1998, ngày khai giảng đầu tiên và là ngày tôi chính thức giảng dạy. Hôm đó, tôi dạy học cho lớp 7D chính là lớp tôi làm giáo viên chủ nhiệm. Khi tôi bước vào lớp, các em đứng dậy vỗ tay kéo dài. Tôi nhìn xuống chân các em thì thấy 100% học sinh đều không đi dép. Sau đó, lớp trưởng mới tiết lộ cho tôi rằng các em không đi dép để giống thầy. Vì hồi đó tôi chưa có điều kiện để lắp bàn chân giả nên không thể đi giày hay dép được. Còn một lớp khác thì thấy nhà thấy cách xa trường nên đã cử các em nam khỏe mạnh, đến tận nhà giúp đỡ thầy đến trường. Lúc đó, tôi rất xúc động. Chính các em học sinh đã khích lệ, thôi thúc tôi gắn bó với nghề dạy học”.

4.jpg
Hình ảnh “Người thầy da cam” Đào Thanh Hương vẫn ngày ngày đạp xe đến trường

25 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy Đào Thanh Hương liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Thầy cũng nhiều lần vinh dự nhận được giấy khen của chủ tịch UBND huyện.

Đặc biệt, câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của vợ chồng thầy Hương luôn được thầy cô giáo trong trường nhắc đến với sự ngưỡng mộ. Vợ thầy Đào Thanh Hương cũng tên là Hương - cô là Trần Thị Hương, hiện là giáo viên dạy môn Địa, cùng công tác tại trường. Vượt qua sự ngăn cấm của gia đình, sự kỳ thị của mọi người và cả những khó khăn trong cuộc sống, cặp “song Hương” nên duyên vợ chồng, trở thành một gia đình hạnh phúc. Hơn 15 năm gắn bó bên nhau, đến nay, vợ chồng thầy Hương đã có hai người con trai, cả hai đều khỏe mạnh, học giỏi.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc chia sẻ: “Tôi ra trường và công tác tại trường THCS Đa Lộc từ năm 1992 đến nay, tôi đều chứng kiến những thăng trầm trong công việc cũng như cuộc sống của thầy Đào Thanh Hương. Thầy rất nghị lực, vượt qua mọi trở ngại về sức khỏe để theo đuổi ước mơ làm giáo viên trường làng.

Mặc dù bản thân thầy Hương bị bệnh tật nhưng thầy luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Thầy Hương thường xuyên bám lớp, bám trường, tích cực tham gia hoạt động công tác Đoàn, Đội, văn nghệ của trường. Thầy Đào Thanh Hương không chỉ là tấm gương sáng đối với nhiều thế hệ học sinh mà thầy còn là tấm gương cho cán bộ nhà trường noi theo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị lực phi thường của “Người thầy da cam”