Nghi lễ và trò chơi Kéo co: Di sản văn hóa đa quốc gia

Thiên Hương| 09/02/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 2-12-2015, Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vào lúc 17 giờ 15 phút ngày 2-12-2015 (giờ Việt Nam), tại kỳ họp thường niên của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Namibia, Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Di sản văn hóa đa quốc gia

Tục kéo co ở mỗi nơi có những lối chơi khác nhau, nhưng bao giờ số người chơi cũng chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình.

Có khi cả hai bên đều là nam, có khi bên nam, bên nữ. Trong trường hợp bên nam bên nữ, dân làng thường chọn những trai gái chưa vợ chưa chồng.

Một cột trụ để ở giữa sân chơi, có dây thừng buộc dài hay dây song, dây tre hoặc cây tre, thường dài khoảng 20m căng đều ra hai phía, hai bên xúm nhau nắm lấy dây thừng để kéo. Một vị chức sắc hay bô lão cầm trịch ra hiệu lệnh. Hai bên ra sức kéo, sao cho cột trụ kéo về bên mình là thắng. Bên ngoài dân làng cổ vũ hai bên bằng tiếng “dô ta”, “cố lên”.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co: Di sản văn hóa đa quốc gia

Có nơi người ta lấy tay người, sức người trực tiếp kéo co. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn các người sau ôm bụng người trước mà kéo. Ðang giữa cuộc, một người bên nào bị đứt dây là thua bên kia. Kéo co cũng kéo ba keo, bên nào thắng liền ba keo là bên ấy được.

Nghi lễ và trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở Đông và Đông Nam Á, thể hiện quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, niềm tin và ước nguyện của con người, đặc biệt là của cộng đồng cư dân nông nghiệp về mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc...
Tùy vào mỗi quốc gia thành viên, nghi lễ và trò chơi kéo co được tổ chức ở cấp độ toàn quốc hoặc tại các vùng nhất định trong từng nước.

Ở Hàn Quốc, kéo co là nghi lễ phổ biến của người dân các địa phương ở Dangjin thuộc tỉnh Chungcheongnam; Samcheok thuộc tỉnh Gangwon; Namhae, Milyang, Euiryung, và Changnyeong thuộc tỉnh Gyeongsangnam.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co: Di sản văn hóa đa quốc gia

Trong khi đó, ở Campuchia, kéo co được thực hành thường xuyên bởi ba cộng đồng đại diện xung quanh Hồ lớn (Great Lake) của Biển Hồ Tonle Sap, gần khu vực khảo cổ Angkor. 

Tại Philippines, các nhóm kéo co được biết đến tại Nunhipukana, nơi hợp lưu của sông Hapao và các sông nhánh.

Ở Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ - đây là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước, với trung tâm là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Thêm nữa, di sản còn được thực hành thường xuyên bởi các tộc người ở miền núi phía Bắc Việt Nam như người Tày, người Thái và người Giáy tỉnh Lào Cai, vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.

Kéo co Việt Nam - nét sinh hoạt văn hóa độc đáo

Ở Việt Nam, kéo co không chỉ là một môn thể thao mà nó vừa là một trò chơi dân gian, vừa là một nét sinh hoạt văn hóa gắn với những quan niệm tâm linh của nhiều dân tộc .

Kéo co ở mỗi vùng có đặc trưng riêng. Nghi lễ ở Lào Cai mang đậm văn hóa của người Tày và người Giáy. Kéo co ở Vĩnh Phúc và Hà Nội của người Kinh nhưng cũng có nét riêng: Vĩnh Phúc người kéo co ngồi trên hố đào sẵn, dùng dây song luồn qua cột chôn sẵn. Người dân Long Biên (Hà Nội) dùng dây song, nhưng ngồi bệt xuống đất. Người dân ở Sóc Sơn lại dùng cây tre thay sợi dây…

Nghi lễ và trò chơi Kéo co: Di sản văn hóa đa quốc gia

Trong các địa phương có trò chơi kéo co, làng Hữu Chấp (Hòa Long, Bắc Ninh) hiện đang sở hữu nhiều nét đặc sắc hơn cả về nghi thức thực hiện. Trò chơi kéo co làng Hữu Chấp là một nghi thức chính trong lễ hội truyền thống của làng, tồn tại gần 400 năm và được tổ chức trang trọng 2 năm/lần. Đồ kéo co sử dụng bằng 2 cây tre to lồng vào nhau và tết thêm các dây lạt tre để tạo thành 3 con nhện xoắn. Sau khi bện xong, tre sẽ được mang treo tại cửa đình làng suốt Tết và chỉ hạ xuống vào ngày hội. Theo truyền thống, nghi thức Kéo co làng Hữu Chấp luôn phải vận hành theo hướng Đông - Tây. 70 thanh niên tham gia nghi thức được chọn từ trước Tết, với các yêu cầu khỏe mạnh, gia đình không có tang, thậm chí là đang có đủ 3 thế hệ cùng sinh sống trong một gia đình (còn gọi là “tam đại đồng đường”). Tới ngày thi, họ được chia đều thành 2 đội với trang phục quần lụa trắng, ở trần, đầu đội khăn xanh hoặc đỏ. Dưới hiệu lệnh của 4 ông “Hóa” trong làng    bằng cờ đuôi nheo, trò Kéo co diễn ra trong 3 hiệp đấu. Năm nào mà đội kéo co phía Đông thắng được 2 keo thì năm đó làng Hữu Chấp chắc chắn sẽ được mùa.

Còn tại Tuyên Quang, keo co biểu hiện ở 2 hình thức: Kéo co không dây và kéo co có dây. Kéo co không dây thể hiện rõ hơn là một trò chơi dân gian. Người chơi phải dùng tay tạo thành các “mắt xích”. Người đứng sau vòng ôm lấy bụng của người đứng trước, hai người đứng đầu hai đội phải ngoắc hai tay vào nhau để tạo thành mắt xích chắc chắn nối giữa hai đội. Đội bên nào bị kéo qua ranh giới của bên đối phương hoặc bị đứt, ngã sẽ thua cuộc. Kéo co không dây được chơi ở bãi cỏ, chân đồi, bãi đất trống, hay sân trường, sân nhà văn hóa… 

Kéo co có dây được tổ chức trong các lễ hội như một nghi lễ cầu sức khỏe, bình an, mưa thuận, gió hòa. Trước lễ hội, thôn thường giao cho một thanh niên có sức khỏe, uy tín và có tuổi “hợp” với năm tổ chức lễ hội vào rừng tìm cây rừng, bện dây kéo co. Việc tuyển chọn trai tráng đi thi đấu được thực hiện rất kỹ lưỡng. Người tham gia kéo co phải là người mạnh khỏe, gia đình nền nếp, đầy đủ, ấm no hạnh phúc, có uy tín ở trong làng. Dây kéo cũng phải là những sợi dây tốt, bền dẻo khi kéo không bị đứt thì năm đó cả làng làm ăn thuận lợi, may mắn.

Theo các chuyên gia, dù đô thị hóa nhưng người dân vẫn giữ được nền tảng và tâm linh của nghi thức kéo co. Tuy vậy, một trong những thách thức lớn nhất là cơn lốc đô thị hóa hiện nay khiến không gian diễn ra nghi lễ bị biến đổi, hoặc có lúc biến mất. Cùng với đó, kéo co đang có xu hướng thể thao hóa, phổ cập như trò chơi dân gian. Chính vì vậy, phải khéo léo tổ chức để kéo co hoàn toàn là mang tính chất nghi lễ, tâm linh, lễ hội chứ không chỉ đơn thuần là trò chơi, thể thao để thắng hay thua. Các cơ quan quản lý nhà nước về di sản không nên biến nó thành nghi lễ có khai mạc, bế mạc, mời quan khách. Hãy để cộng đồng làm chủ, thực hành di sản một cách tự nhiên như nó vốn có.

***

UNESCO  vinh danh

Trước đó, Việt Nam đã có 9 di sản văn hóa ở thể loại này được UNESCO vinh danh, gồm:

1. Nhã nhạc cung đình Huế hay Âm nhạc cung đình Việt Nam, được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại ngày 7-11-2003.

2. Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại ngày 25-11-2005.

3. Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO chính thức công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại ngày 30-9-2009.

4. Ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại ngày 1-10-2009.

5. Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và đền Sóc được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 16-11-2010.

6. Hát xoan được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại ngày 24-11-2011. 

7. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 6-12-2012.

8. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, của Việt Nam đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 27-11-2014.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghi lễ và trò chơi Kéo co: Di sản văn hóa đa quốc gia