10 năm trước, anh nắm tay chị bước đi trong tiệc cưới dưới sự chúc phúc của người thân, bạn bè. 10 năm sau, anh chị đã chia đôi đường. Tình hết, nghĩa cũng không còn khi cả hai đã ở hai đầu chiến tuyến trong cuộc chiến giành nuôi con.
Sau ba năm nên nghĩa vợ chồng, trước những mâu thuẫn dai dẳng không giải quyết được vợ chồng chị Mơ quyết định đường ai nấy đi. Nhiều lần hòa giải không thành, cuối tháng 6/2012, TAND quận Đống Đa, Hà Nội đã thuận tình để vợ chồng chị chia tay với phán quyết để anh Minh, chồng chị nuôi con và hàng tháng chị Mơ có trách nhiệm chu cấp 1 triệu đồng. Chị Mơ cũng được quyền thăm nuôi, đưa đón con đi học.
Thời gian đầu anh Minh thực hiện đúng như phán xét của tòa, chị Mơ được tự do thăm con. Nhưng chỉ vài tháng sau, việc thăm con đã bị chồng cũ và gia đình ngăn cản bằng mọi cách. Cùng với đó, anh Minh và gia đình còn ra sức nói xấu người mẹ với con trai.
Bức xúc trước cách hành xử này, chị Mơ quyết định làm đơn khởi kiện ra tòa, giành lại quyền nuôi con. Để thu thập bằng chứng trình ra trước tòa, chị đã nhờ người chụp ảnh, quay video cảnh gia đình chồng cũ ngăn cản thăm nuôi con để nhờ toà xem xét.
Xem xét chứng cứ, lời khai của các bên, tháng 8/2015, TAND quận Đống Đã đã chấp thuận thay đổi quyền nuôi con, giao bé trai cho người mẹ. Song, anh Minh và gia đình không đồng tình đã làm đơn kháng cáo.
Cuối tháng 11 vừa qua, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm trong phiên xử Tranh chấp yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
Một mình tới tòa đối diện với chồng và bố chồng cũ, chị Mơ tỏ ra khá căng thẳng và lo lắng. Chị tâm sự, chị không hề muốn phải đưa nhau ra tòa như thế này, nhưng anh và gia đình chồng đã cư xử “cạn tàu ráo máng” với chị nên dù muốn dù không chị vẫn buộc lòng phải đệ đơn lên tòa, “Gia đình anh ta không cho tôi đưa đón con. Là một người mẹ, tôi chỉ mong cháu sống trong hạnh phúc nhưng gia đình chồng cũ can thiệp quá nhiều đến quyền lợi của tôi”, chị Mơ buồn bã nói.
Ảnh minh họa
Tại phiên phúc thẩm, chị vẫn giữ nguyên quan điểm giành quyền chăm sóc con trai và chị khẳng định quyết định của cấp sơ thẩm là đúng đắn. Bởi, ngoài lý do bị ngăn cản tình mẫu tử bản thân chị đã có nghề nghiệp ổn định, hiện chị là giảng viên, có nghiệp vụ sư phạm, có thu nhập ổn định nên hoàn toàn đủ điều kiện chăm sóc con trai. Trong khi đó, anh Minh cũng đã lập gia đình và mới có con nhỏ nên ít thời gian quan tâm đến con riêng, còn chị vẫn độc thân.
Phản bác lại lời của chị, anh Minh cho rằng, trong những năm qua con trai đã được anh chăm sóc chu toàn, năm nào bé cũng được nhận giấy khen về thành tích học tập, sức khoẻ và cân nặng phát triển bình thường.
Trước thái độ gay gắt của hai bên, vị chủ tọa ôn tồn nói “Người lớn đang làm khổ con. Việc giằng xé giữa bố và mẹ sẽ hằn sâu trong trí nhớ, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ vô cùng lớn. Mâu thuẫn giữa hai bên sau ly hôn còn khủng khiếp hơn trước ly hôn. Nếu không thỏa thuận được thì chính con là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều đứa trẻ sẽ hận cha mẹ”.
Sau khi xem xét và cân nhắc, xét thấy việc đứa trẻ ở với mẹ sẽ đảm bảo và hợp tình, hợp lý hơn nên HĐXX đã giữ nguyên quyết định để chị Mơ chăm sóc con trai. Nghe phán quyết của tòa, chị Mơ nở nụ cười hạnh phúc, chị bước nhanh khỏi khán phòng để trở về với cậu con trai bé bỏng. Anh Minh chồng cũ của chị hậm hực liếc nhìn chị không nói một lời rồi cặm cụi bước đi.
Chỉ mới chục năm trước thôi, hai vợ chồng hạnh phúc bước đi trong lễ cưới dưới sự chúc tụng của gia đình, bạn bè. Vậy mà, giờ đây họ đã trở nên xa lạ, trong lòng họ chỉ còn sự hận thù khi nghĩ đến nhau.