Showbiz Việt thời gian qua liên tục “dậy sóng” scandal đình đám của những nghệ sĩ trẻ. Và cũng chưa bao giờ, câu chuyện văn hóa ứng xử của sao lại được bàn nhiều như những ngày qua.
Những tưởng rằng trong V-biz chỉ có những bon chen "xô chậu", cứ nghĩ rằng scandal cố tình lộ hàng, phát ngôn gây sốc, tố cáo mượn nón mũ, hát những ca khúc kinh khủng hay chụp ảnh nude... là quá mức rồi. Nhưng mọi chuyện có lẽ không bao giờ là đủ! Khi vấn đề ứng xử kém văn hóa lại được đưa ra trước "bàn dân thiên hạ" ngày càng nhiều như hiện nay, công chúng ngày càng hụt hẫng và rối bời, bài học đạo đức ngày xưa có khi nào các nghệ sĩ trẻ đang "cố tình bỏ quên"?
Khi "idol" bị chê vô văn hóa...
Tâm điểm của truyền thông trong suốt tuần qua là sự việc nghệ sĩ hài Trung Dân tức giận bỏ về vì bị Hương Giang Idol xúc phạm khi đang tham gia ghi hình một chương trình gameshow tiếp tục gây tranh cãi về phát ngôn thiếu kiểm soát của nghệ sĩ khi tham gia các chương trình.
Trong gameshow, khi MC Đại Nghĩa đọc câu hỏi: “Cát Tường hay than phiền anh Trung Dân thích tìm tòi khám phá máy móc, xem xem nó hoạt động như thế nào. Có một lần, ông ấy đút đầu vào… (ba chấm) và bị thương”. Người chơi phải điền vào dấu ba chấm đó, xem ông ấy đút đầu vô máy gì?”.
Trong khi mọi người đưa ra nhiều đáp án như đút đầu vô lò nướng, máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng… thì Hương Giang Idol lại nói “đút đầu vô cầu tiêu”.
Mặc dù nghệ sĩ Trung Dân tỏ thái độ không hài lòng và yêu cầu Hương Giang Idol bỏ đáp án đó đi nhưng cô nhất định không bỏ và cho đó là “ý kiến riêng” của mình. Chính thái độ “cố chấp” này của Hương Giang khiến nghệ sĩ Trung Dân không thể tiếp tục ghi hình chương trình.
Nghệ sĩ Trung Dân bức xúc, bỏ ra về trước hành động của Hương Giang Idol.
Sự việc đã khiến khán giả vô cùng bất bình, giới nghệ sĩ cũng tức giận vì sự thể hiện “hồn nhiên như cô tiên” của Hương Giang Idol. Và có lẽ trong đời sống showbiz, chưa có scandal nào gây chấn động như thế. Không ai có thể hình dung ra trong môi trường nghệ thuật, đang ghi hình một gameshow để phát sóng trên truyền hình, một người trẻ tuổi lại dám nói ra một lời lẽ như thế với bậc cha chú của mình. Sự vô văn hóa đã lên tới đỉnh điểm.
"Những gì Hương Giang Idol nghĩ được thì chỉ có đến đấy thôi. Nếu chương trình truyền hình mà đưa được ‘suy nghĩ thiên tài này’ lên sóng thì không ít trẻ em Việt Nam sẽ suy nghĩ giống vậy mất. Chỉ thương chú Trung Dân bị xúc phạm” - là chia sẻ của nghệ sĩ Đức Hải.
Hoàng Bách có phần chừng mực hơn khi không dùng những từ ngữ gay gắt để nói về hành động của Hương Giang Idol. Tuy nhiên, nam ca sĩ cũng buồn vì suy nghĩ ấu trĩ của nghệ sĩ đàn em: "Văn hoá chung của người Á Đông là tôn trọng người lớn tuổi, người đi trước, và tôi thấy các bạn Nhật, Hàn làm rất tốt điều này.
Ở phía showbiz mình, tôi tin khán giả và anh em trong nghề đều nhìn thấy những sự "hỗn hào" vẫn ẩn hiện đâu đó trong một vài nghệ sĩ trẻ. Tất nhiên, thời buổi công nghệ, khi mà người ta sẵn sàng làm một cái bảo tàng tượng sáp với nhiều nghệ sĩ rất trẻ, đang hot nhưng chưa có bao nhiêu đóng góp thực sự đáng kể để "tôn vinh", để đứng chung với những cái tên gạo cội trong khi bỏ qua rất nhiều nghệ sĩ với nhiều năm, nhiều tầng cống hiến. Khi mà các nhà sản xuất chương trình chỉ nhăm nhăm vào rating để kiếm tiền (kiếm theo kiểu được ngày nào hay ngày nấy), thậm chí là đu vào scandal của nghệ sĩ để sống và không nghĩ rằng mình phải có chút trách nhiệm nào với khán giả, với nền nghệ thuật thì chắc chắn những người lãnh đủ là giới trẻ trong đó có cả con cháu họ, và cả những "ông sao" trẻ mà họ đã góp phần "nhào nặn" lên!"
Thời gian gần đây, ca sĩ Hương Giang Idol tích cực tham gia gameshow nhưng không ít lần cô bị "ném đá" vì vạ miệng.
Chưa bao giờ, trên sóng truyền hình, trong các gameshow những hành vi và ngôn từ không được kiểm soát liên tục được các "ngôi sao" phơi bày trước mặt khán giả và đồng nghiệp như hiện nay… Bất chấp lời nói đó có xúc phạm người khác hay không, bất chấp có làm cho người khác đánh giá ngược lại họ hay không, bất chấp lời nói đó có văn hoá hay không và có xứng đáng với vị trí mà họ nghĩ về họ hay không.
Cần thành “nhân” trước khi thành “danh”
Nghệ sĩ cũng là một người bình thường, nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa nghệ sĩ với người bình thường lại chính là đặc thù công việc của họ: liên quan đến số đông. Bởi vậy, bất kỳ sự kiện gì của nghệ sĩ, công chúng chính là đối tượng tiếp nhận. Những sự kiện tích cực sẽ mang đến lan tỏa tích cực, ngược lại, hành vi xấu của nghệ sĩ sẽ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đến mức khó lường.
Trong sự hỗn độn của đời sống biểu diễn hiện nay, nhiều nghệ sĩ đang làm nghề với một phông văn hóa rất thấp. Họ nổi tiếng nhờ công nghệ lăng xê, nhờ những chiêu trò gây scandal trong dư luận. Họ có chút tài năng nhưng văn hóa ứng xử, nghệ thuật ứng xử trước đám đông thì hạn chế, và ít được uốn nắn.
Danh hài Minh Nhí từng chia sẻ: "Đạo đức. Với lớp trẻ bây giờ cần phải dạy đạo đức vì tôi thấy đây là điều dễ bị bỏ qua lắm. Hồi xưa, lúc tụi tui nổi tiếng rồi nhưng khi gặp các bậc cô chú dù không nổi tiếng vẫn cúi chào, vẫn dạ thưa và không dám nói một câu nào để mất lòng. Còn bây giờ, nhiều người nổi tiếng rồi, ngay cả thầy còn không nhìn mặt".
Người xưa cũng có dạy “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Người bình thường đã phải tâm niệm câu ấy, người làm nghệ thuật, văn hóa là người của công chúng nên “tất lẽ dĩ ngẫu” phát ngôn trước công chúng lại càng cần lấy điều đó làm lề lối cho mình.
Sự việc Trấn Thành bị nhà đài "cấm sóng" là hồi chuông cảnh báo cho các nghệ sĩ trẻ về phát ngôn khi đứng trên sân khấu.
Thời gian qua, Trấn Thành bị đài Truyền hình Vĩnh Long "cấm sóng" vì từng có ồn ào khiến nhà đài cảm thấy anh không phù hợp với hình ảnh của một chương trình dành cho thiếu nhi. Thông tin này khiến khán giả và cả những người trong giới xôn xao bàn tán, đưa ra loạt ý kiến tranh cãi. Phía những người đồng tình thì cho rằng, đó là biện pháp mạnh nhằm răn đe những nghệ sĩ có màn biểu diễn quá đà, phát ngôn gây sốc nhằm câu kéo tiếng cười. Tuy nhiên họ không hiểu rằng có nhiều khán giả cảm thấy khó chịu vì những nội dung hài phản cảm, thô tục.
PGS.TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên Khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Bản thân giới nghệ sĩ phải tự hiểu rằng, họ là người của công chúng, họ phải có tư cách đạo đức tốt. Bên cạnh đó, họ hiểu hơn ai hết những phát ngôn và hành động của mình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng. Các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ cần thành “nhân” trước khi thành “danh”. Những người này cần phải học lại đạo đức, văn hóa ứng xử thì mới mong mang nghệ thuật đích thực đến cho công chúng”.
Giống như môn y đức bắt buộc bên trường Y, thiết nghĩ cần có môn học ứng xử bắt buộc đối với những người làm nghệ thuật. Để chúng ta có được những thế hệ nghệ sĩ tương lai bước ra sân khấu, ngoài tài năng, là phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ năng ứng xử đẹp trong mắt công chúng.
Tạm kết
Quan trọng nhất của một người nghệ sĩ không phải là được mọi người hô hào tên gọi, mà là họ gọi tên bạn như thế nào, vì yêu thương? Vì ngưỡng mộ? Hay chỉ vì những scandal và những "câu chuyện" khiến họ không bao giờ có thể gọi bạn là "người của công chúng"!
Làm người của công chúng không hề dễ, và đương nhiên khi bạn muốn trở thành một "thần tượng" thì bắt buộc phải chấp nhận chuyện này, nghĩa là sẽ không bao giờ được "xem xét" như là một người trẻ không tên khác. Vậy nên, hãy học, và cái cần học đầu tiên, là quay trở lại tiểu học và học môn "đạo đức" không thể thiếu trong cuộc sống và môi trường showbiz!