Với thành công vang dội tại miền Bắc, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - nghệ sĩ Chí Trung quyết “đưa quân” vào miền Nam với những vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ. NSƯT Chí Trung mong muốn đây là một phong vị mới đặc sắc dành cho khán giả tại TP Hồ Chí Minh.
Năm 2018 đánh dấu cột mốc kỉ niệm 40 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ và 30 năm ngày mất của cố tác giả Lưu Quang Vũ, nhiều chương trình lớn được Giám đốc Nhà hát - Nghệ sĩ Chí Trung cùng dàn diễn viên, ekip chuẩn bị kỹ lưỡng và ra mắt khán giả.
Vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội với gần 20 suất diễn để kỉ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ đã tạo được tiếng vang lớn. Rất đông khán giả đã xếp hàng để mua được vé, thưởng thức không gian nghệ thuật. Đặc biệt là vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy - vở diễn từng đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan kịch nói Toàn quốc 2018.
Nghệ sĩ Chí Trung
Nghệ sĩ Chí Trung cho biết, trong lần trở lại miền Nam phục vụ khán giả lần này thì anh vô cùng tự tin và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. “Tôi mong muốn có những vở diễn hay, những câu chuyện tốt đến khán giả TPHCM, đặc biệt tại đây có rất nhiều khán giả yêu mến Lưu Quang Vũ. Các khán giả đã gọi điện, nhắn tin và gởi cả thư cho tôi là “Hãy cho chúng tôi xem những vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ”. Trước đó, Nhà hát Tuổi Trẻ đã giới thiệu cùng khán giả Thành phố Hồ Chí Minh vở “Ai là thủ phạm” – tác giả Lưu Quang Vũ được sự đón nhận và phản hồi tích cực từ khán giả.
Khi nhắc đến những tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ nói riêng trong tổng hòa của kịch miền Bắc, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết: “Mỗi vùng miền sẽ có một phong vị riêng, trong toàn bộ nền nghệ thuật miền Bắc thì có một dòng chảy về những vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ mà chúng tôi lại dựng theo phong cách Bắc hoàn toàn. Và trong khán giả thành phố Hồ Chí Minh thì có rất nhiều khán giả yêu mến lối diễn, cách thể hiện của diễn viên miền Bắc. Có lẽ rằng, đó là một phong vị lạ, những điều mới đến khán giả tại đây”.
Nói về sự tiếp nói của dàn diễn viên trẻ ngày càng khẳng định được dấu ấn riêng, nghệ sĩ Chí Trung rất vui vì điều này. Anh cho rằng, “thầy già con hát trẻ” là luôn luôn đúng trong nghề. Được xem là “đàn anh, đàn chị” – những người thầy trong nghề, các nghệ sĩ kỳ cựu của Nhà hát Tuổi Trẻ như NSND Lê Khanh, Lan Hương Ngọc Huyền, Minh Hằng, Chí Trung,… nhường bước cho các bạn trẻ và trở thành những phông màn, dàn bao kỹ lưỡng. Và khán giả cũng yên tâm khi thấy những diễn viên gạo cội trở thành những đạo diễn, cố vấn nghệ thuật cho những tác phẩm.
Là một giám đốc, một nhà quản lý, phải lo đời sống của anh em nghệ sĩ, nhưng với Nghệ sĩ Chí Trung thì đây không phải là áp lực lớn đối với anh. Mà áp lực lớn hơn chính là phải giữ được đường hướng, khát vọng của 160 cán bộ Nhà hát. Anh quan niệm rằng: “Không đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu, chúng ta không tìm tiền để làm nghệ thuật, chúng ta làm nghệ thuật để có tiền tồn tại và phát triển nhưng chúng ta không tìm tiền trong nghệ thuật một cách lớn lao”.
Nghệ sĩ Chí Trung và các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ
Bên cạnh chuyến lưu diễn vào tháng 12 sắp tới, Nhà hát Tuổi Trẻ còn đang chuẩn vị hàng loạt những kế hoạch với những chương trình mới. Có thể kể đến như: Chào xuân 2019, Chương trình ca múa nhạc Nàng Việt, chương trình dịp 8/3 cho Phụ nữ, chuẩn bị cho chương trình 1/6 với sự ra quân rầm rộ.
Tháng 7/2019, Nhà hát dự kiến sẽ đưa đoàn ca múa nhạc vào Thành phố Hồ Chí Minh với vở diễn hoành tráng dành cho thiếu nhi “Giấc mơ nàng tiên cá”. Và cũng mong muốn thuận lợi hơn để lưu diễn 7 đến 10 tỉnh thành miền Tây Nam Bộ với chương trình ca múc nhạc đậm chất Bắc nhưng vẫn không thiếu phong vị miền Nam và miền Tây.