Phóng sự - Ghi chép

Nghệ An: Rộn ràng lễ mừng lúa mới của đồng bào Thái

Gia Ân - Khánh Hiền 26/10/2023 - 10:13

Những ngày này, đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đang nô nức mùa thu hoạch lúa rẫy. Ở khắp các bản làng, dưới mái nhà sàn, người người chúc tụng nhau chén rượu, cúng cơm mới đầu mùa, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa cho cây lúa sinh sôi.

lua-moi-0.jpg

Sau khi thu hoạch những bông lúa cuối cùng trên rẫy, bà Vi Thị Hồng ở bản Lũng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương (Nghệ An) lại cùng con cháu trong gia đình chọn ngày lành, tháng tốt làm lễ “khầu mở” hay còn gọi là lễ mừng lúa mới, một phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Để làm “khầu mở” khi những rẫy lúa hạt đã mây mẩy tròn, có vị thơm ngậy là các chị, các mẹ lên nương chọn những bông lúa nếp đẹp nhất, hạt to nhất về để làm cốm hay còn gọi là “khầu hang” dành cúng tổ tiên trong ngày mừng lúa mới. Mâm cúng có cơm trắng, có xôi khầu hang, đồng bào vẫn gọi là cốm mới dẻo thơm và không thể thiếu món cá nướng. Thông thường, cá để cúng phải là cá tự đánh bắt ngoài suối vừa ngon, sạch và có ý nghĩa thiên nhiên để về làm mọc, làm cá nướng.

a8-3862.jpg
a13-30.jpg
Cứ sau mùa gặt nhà nhà đều làm “khầu mở”, cảm ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ đồng bào có một mùa bội thu

Ngoài ra, hàng ngày gia đình ăn gì thì đều nấu và bày vào mâm cúng món đó. Cứ sau mùa gặt, nhà nhà đều làm “khầu mở”, trước là cảm ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ đồng bào có một mùa bội thu, sau là để các thành viên trong gia đình quây quần sum họp trong bữa cơm đầu tiên của mùa lúa mới. Bà Vi Thị Hồng chia sẻ: Thường thường sau mùa gặt, người Thái làm mâm cúng lúa mới có gạo nếp, xôi, gà, mọc cá, cá nướng, thịt kho, rượu để mời tổ tiên về ăn lúa mới với gia đình”.

Sau mùa gặt, không chỉ có người Thái mà người dân tộc Mông ở huyện Tương Dương cũng làm lễ mừng lúa mới, tiếng Mông gọi là “nào máo blề xa”. Theo phong tục của người Mông, sau khi cúng mừng lúa mới thì được xay gạo mới để ăn. Với người Mông ở huyện Tương Dương, năm nào bà con cũng sản xuất lúa nhiều, trong kho luôn phải có lúa dự trữ phòng khi mất mùa. Vì vậy, lễ cúng cơm mới cũng được tổ chức long trọng với thủ lợn, gà thiến, cơm gạo mới, rượu và rất nhiều chiếc thìa. Hương được cắm ở bàn thờ, bếp, cột nhà, cửa, thầy mo đứng trước nhà hướng ra nương rẫy mời thần núi, thần suối, thần lúa về ăn bữa cơm đầu mùa cùng gia đình, năm tới tiếp tục phù hộ cho dân bản được mùa để con lợn, con gà cũng được no cái bụng.

Anh Xồng Bá Dày, ở bản Phá Lỏm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, cho biết: “Người Mông chúng tôi xem lễ cúng cơm mới là lễ quan trọng nhất trong năm, vì ai cũng mong cho một năm tới cây lúa sẽ được mùa, bà con không phải lo thiếu đói. Nhà nào cũng làm lễ cúng rất long trọng, đầy đủ mọi thủ tục”...

lua-1-copy.jpg

Với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc ở huyện miền núi vùng cao Tương Dương có một nét văn hóa riêng, song dân tộc nào cũng làm lễ mừng lúa mới sau vụ thu hoạch. Với đồng bào miền núi, hạt lúa rất quan trọng để đảm bảo nguồn lương thực cho cả năm, chống đói trong mùa giáp hạt.

Lễ cúng cơm mới vào đầu vụ là phong tục có từ rất lâu đời của đồng bào để cảm tạ trời đất đã cho “mưa thuận, gió hòa”, để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt cho bông to, hạt chắc. Đây cũng là dịp để anh em, họ hàng, con cháu và hàng xóm cùng nhau quây quần bên bữa cơm sum họp, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi.

a3-762.jpg
a7-1543.jpg
Lễ cúng cơm mới là lễ sau mùa gặt lúa

Theo thời gian, lễ cúng cơm mới đã xóa bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu, thay thế bằng những mâm cúng bình dị, đơn giản hơn nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào. Nói về tục cúng mừng lúa mới của đồng bào các dân tộc ở huyện Tương Dương, ông Lô Thanh Long, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Tương Dương, cho biết: “Lễ mừng lúa mới là nét văn hóa rất đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Tương Dương được duy trì và bảo tồn. Lễ cúng cơm mới được gắn với đời sống sinh hoạt, tâm linh của các dân tộc. Áp dụng các chính sách mới về văn hóa, bà con đã xóa bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, tốn kém xây dựng nếp sống mới”...

Lễ cúng cơm mới là lễ sau mùa gặt lúa, những hạt nếp dẻo thơm đầu mùa thu hoạch được nấu thành xôi đủ các màu sắc cùng với các sản phẩm nông nghiệp tinh túy nhất, tươi ngon nhất sau một mùa vụ lao động vất vả mà đồng bào dâng lên tổ tiên, để biết ơn vì đã phù hộ cho một năm mùa màng tươi tốt. Đây cũng là dịp đoàn tụ, sum vầy vui chơi, giao lưu gặp gỡ giữa đồng bào các dân tộc để xây dựng mối đoàn kết gắn bó bảo vệ làng bản, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Rộn ràng lễ mừng lúa mới của đồng bào Thái