Xác định vai trò là “bà đỡ” cho hộ nghèo, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện các giải pháp phát huy tối đa hiệu quả của vốn vay, nhằm hỗ trợ cho hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ngân hàng CSXH đã giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu, thoát nghèo hiệu quả
Chương trình cho vay vốn tín dụng chính sách là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xóa đói giảm nghèo tại các địa phương. Gia đình anh Hồ Minh Thuận ở thôn Hồng Tiến, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là một hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã. Vợ chồng trẻ nhưng đông con, lại thường xuyên đau ốm, nên một mình anh Thuận làm thợ mộc lương cũng không đủ trang trải cuộc sống.
Năm 2022, được xóm xét duyệt cho vay vốn ngân hàng CSXH 50 triệu đồng, anh Thuận đã xây chuồng, mua 1 con bò cái sinh sản và 1 con bò thịt về phát triển chăn nuôi. Anh Hồ Minh Thuận chia sẻ: “Sau 2 năm vay vốn phát triển chăn nuôi, con bò cái đã sinh được 1 bê con, còn con bò thịt đã đến thời điểm bán cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ xây thêm chuồng, trồng thêm cỏ voi để nuôi từ 2-3 con bò nữa góp phần xoá đói, giảm nghèo”.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Tín, là giáo dân thuộc giáo xứ Tân An, xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu cũng là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Nhà có 6 người con, vợ chồng đều là nông dân không có nghề phụ, nên kinh tế gia đình luôn trong tình cảnh túng thiếu.
Năm 2019, nhờ nguồn vốn được vay từ Ngân hàng CSXH huyện, gia đình chị đã đầu tư dụng cụ, mua nguyên liệu khởi nghiệp với nghề chế biến nước mắm. Sau 5 năm phát triển, cơ sở đã hoạt động ổn định, sản phẩm không chỉ bán trên địa bàn xã mà còn được tiêu thụ ở các tỉnh thành khác.
Từ một hộ nghèo, khó khăn đủ bề, hiện nay sau khi trừ các chi phí, mỗi năm gia đình chị có thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Tín phấn khởi nói: “Cảm ơn chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhờ có vốn vay ưu đãi từ ngân hàng CSXH mà gia đình có cái nghề làm ăn, bây giờ không những trả đầy đủ vốn vay cho ngân hàng mà còn vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng từ chương trình thoát nghèo để đầu tư mở rộng cơ sở chế biến nước mắm, tạo việc làm cho lao động địa phương”.
Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện có 476 tổ tiết kiệm và vay vốn tín dụng chính sách với 33 điểm giao dịch xã, thị trấn. Đây là cầu nối quan trọng giữa Ngân hàng CSXH với người vay vốn, góp phần giúp các nguồn vốn vay đến đúng đối tượng kịp thời, thuận lợi, công khai và dân chủ.
Nhiều giải pháp tích cực, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu vay vốn của người dân
Ngân hàng CXH là một kênh vốn quan trọng, hầu hết các hộ nghèo và hộ gia đình chính sách nếu có nhu cầu vay vốn đảm bảo đúng đối tượng đều được Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi, giải ngân vốn vay kịp thời. Hoạt động cho vay chủ yếu được ủy thác qua các cấp hội, đoàn thể ở trên địa bàn cùng với mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp cho đồng vốn ưu đãi đến với người dân một cách nhanh nhất.
Ông Hồ Kim Tiến, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 1, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, cho biết: “Từ khi ngân hàng CSXH triển khai điểm giao dịch lưu động tại các xã đã đi vào nề nếp, thể hiện tính chuyên nghiệp, được cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức hội nhận ủy thác quan tâm. Thông qua các điểm giao dịch lưu động giúp cho người dân tiếp cận nhanh nhất với hoạt động tín dụng chính sách, các dịch vụ hiện đại, góp phần tiết giảm thời gian, chi phí đi lại của Nhân dân.
Không những thế, thông qua hệ thống tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản, quá trình bình xét được công khai, minh bạch, công tác kiểm tra giám sát các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy được hiệu quả vốn vay trong công tác giảm nghèo”...
Là một tổ chức tín dụng Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Lưu đã có nhiều giải pháp tập trung huy động các nguồn lực tài chính, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người dân.
Từ hai chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với tổng dư nợ hơn 31 tỷ đồng, đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã quản lý tổng nguồn vốn tín dụng chính sách hơn 700 tỷ đồng với trên 93.400 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, gần 2.800 hộ gia đình tại vùng khó khăn có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, hàng trăm đối tượng chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nguồn vốn tín dụng đã góp phần giúp hơn 14.000 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo. Có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội đã thực sự làm tốt vai trò là ‘‘bà đỡ” hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thoát khỏi nghèo đói, hòa nhập cộng đồng và từng bước vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững.
Trao đổi thêm về những giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Quý Thái - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Lưu, cho biết: “Năm 2023 là năm cuối thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ cho vay vốn phát triển kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid. Trong năm 2023, trong tổng doanh số cho vay tại ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Lưu thì riêng chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo là 57 tỷ, chiếm 28,5% với khoảng 1.100 hộ được vay vốn làm ăn, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Thời gian tới, Ngân hàng sẽ tham mưu chỉ đạo các xã rà soát tất cả các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo để đầu năm 2024, khi có nhu cầu vay thì ngân hàng sẽ bố trí nguồn vốn kịp thời ưu tiên cho 3 chương trình này”.