Bằng thủ đoạn gian dối là lừa “đảo khế”, chỉ trong 4 ngày, Võ Thị Tuyết đã lừa đảo, chiếm đoạt của bị hại hơn 3,3 tỷ đồng.
Ngày 26/3, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Võ Thị Tuyết (SN 1990), trú xã Bảo Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, Võ Thị Tuyết là kế toán làm việc tại Quỹ tín dụng nhân dân Bảo Thành, huyện Yên Thành.
Khoảng giữa tháng 8/2023, Tuyết tham gia đầu tư bán hàng online thông qua ứng dụng FastShop. Ngày 28/8/2023, do cần tiền để tiếp tục đầu tư bán hàng nên Tuyết nảy sinh ý định lừa đảo chị Nguyễn Thị H. (SN 1982), trú xã Bảo Thành.
Theo đó, mặc dù các hợp đồng tín dụng mà mẹ của Tuyết là bà Nguyễn Thị B. đã cầm cố 2 sổ tiết kiệm để vay tiền tại Quỹ tín dụng nhân dân Bảo Thành, nhưng từ ngày 28/8 đến ngày 31/8/2023, lợi dụng bản thân là kế toán làm việc tại quỹ tín dụng này, Tuyết đã lừa chị H. cho vay tiền để “đảo khế” cho khách hàng của mình.
Tuyết nói dối chị H. đảo khế cho 4 khách hàng với 7 khoản vay khác nhau, nhưng thực tế Tuyết đảo khế đi, đảo khế lại 7 lần với các khoản vay cùng cầm cố 2 sổ tiết kiệm đều mang tên bà B.
Tuyết nói dối sau khi đảo khế xong sẽ trả lại tiền cho chị H. Tuy nhiên, sau khi đảo khế các khoản vay xong thì Tuyết chiếm đoạt tiền của chị H. Số tiền trên, Tuyết dùng để đầu tư bán hàng online và tiêu xài cá nhân hết.
Cụ thể, vào ngày 28/8/2023 mặc dù 2 hợp đồng tín dụng của bà Nguyễn Thị B. (với tổng số tiền vay là 1,2 tỷ) chưa đến hạn phải tất toán và bà B. không có nhu cầu đảo khế, nhưng Tuyết đã liên lạc với chị H. để hỏi vay tiền đảo khế cho khách hàng của mình.
Để nạn nhân tin tưởng chuyển tiền, Tuyết đã gửi cho chị H. mã QR của tài khoản ngân hàng và các mã số Hợp đồng tín dụng. Tin tưởng, chị H. đã chuyển 1,2 tỷ đồng cho Tuyết.
Ngày trong ngày hôm đó, Quỹ tín dụng nhân dân bảo Thành làm thủ tục tất toán 2 hợp đồng tín dụng của bà B. Sau đó, Tuyết hướng dẫn mẹ mình ký kết với Quỹ tín dụng trên 2 hợp đồng tín dụng mới thay thế.
Còn số tiền vay 1,2 tỷ đồng được giải ngân bằng tiền mặt thì Tuyết không trả lại cho chị H., mà đầu tư và tiêu xài cá nhân hết. Sau đó, Tuyết nói dối chị H. là chưa đảo khế xong và hẹn trong thời gian 4 ngày khi đảo khế xong thì sẽ trả tiền lại.
Bằng thủ đoạn tương tự, trong 4 ngày tiếp theo, Tuyết tiếp tục lừa chị H. Cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền mà Tuyết đã lừa đảo chị H. là hơn 3,3 tỷ đồng.
Về phần chị H. sau khi biết mình bị lừa đã làm đơn tố cáo lên công an. Đến ngày 21/10/2023, Võ Thị Tuyết đã đến công an đầu thú và thừa nhận hành vi phạm tội.
Tại phiên tòa bị cáo bật khóc, khai nhận hành vi phạm tội. Bị cáo khai số tiền lừa đảo đã đầu tư bán hàng trên mạng và tiêu xài cá nhân hết. Tuy nhiên, tiêu xài vào việc gì thì Tuyết khai không nhớ. Tham dự phiên tòa, bị hại yêu cầu bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ tiền đã chiếm đoạt.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật. Trong vụ án này bị cáo có tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên.
Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Võ Thị Tuyết 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa cũng buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ tiền cho bị hại.