Dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều mặt hàng nông sản ở Nghệ An bị tồn ứ, khó tiêu thụ. Trước tình hình trên, địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng này.
Khác hẳn với hình ảnh tấp nập của những năm trước, vào thời điểm này các xưởng chế biến chè ở huyện Thanh Chương, Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) khá ảm đạm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Đài Loan, Trung Đông bị ngưng trệ. Cũng vì dịch bệnh nên các chuyên gia kỹ thuật của đối tác không trực tiếp kiểm tra chất lượng tại các cơ sở sản xuất chế biến. Hiện lượng chè tồn kho tại các cơ sở chế biến hiện nay khoảng 3.500 tấn, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Riêng với một số nông sản có tính thời vụ, thu hoạch vào mùa cao điểm như: Dưa hấu, mướp đắng, bí xanh… khi “tắc” đầu ra thì hầu như phải đổ bỏ. Hiện dưa hấu Nghĩa Đàn đang bước vào vụ thu hoạch rộ, hơn 350ha dưa hấu với dự kiến sản lượng lên đến 7.000 tấn. Mặc dù năm nay, dưa hấu Nghĩa Đàn mẫu mã đẹp, độ đường cao song giá cả xuống thấp, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Cụ thể, dưa loại 1 giá chỉ 4.000 đồng/kg; dưa loại 2 chỉ 2.500-3.000 đồng/kg.
Được biết, dưa hấu Nghĩa Đàn chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhưng hiện nay do dịch bùng phát nên nhu cầu của người dân giảm, thị trường tiêu thụ thu hẹp nên dưa ế.
Không chỉ dưa hấu mà các loại rau màu khác như: bí xanh, mướp đắng, mướp hương, dưa chuột, hành lá… giá đều sụt giảm và khó tiêu thụ. Các vùng trồng rau màu như: Nam Đàn, Quỳnh Lưu… đều lâm vào cảnh ế ẩm, nhiều nơi, người dân không buồn thu hoạch hoặc thu hoạch ra không bán được phải làm thức ăn cho gia súc hay đổ bỏ.
Nhằm gỡ khó cho việc tiêu thụ nông sản mùa dịch COVID-19 bản thân người dân ở các địa phương đã triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ bà con. Cụ thể, như ở vùng trồng chè Thanh Chương, các chủ xưởng chế biến đã năng động kết nối với các nhà máy, công ty trong nước để tiêu thụ chè; ngoài thị trường truyền thống đã chuyển hướng sang các thị trường mới.
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ xưởng chè Hương Đường ở Hạnh Lâm (Thanh Chương) cho biết: Hiện trong kho vẫn còn hơn 100 tấn không xuất khẩu được do dịch bệnh. Trước tình hình trên, chúng tôi đã liên hệ với các bạn hàng ở Phú Thọ, Lâm Đồng…tìm đầu ra cho chè thành phẩm; vay vốn ngân hàng để thu mua chè nguyên liệu cho bà con, đồng thời cho ứng phân bón, tiền để đầu tư, chăm sóc cho lứa chè sau.
Còn đối với các mặt hàng rau, củ, quả… các địa phương đã huy động các tổ chức, đoàn thể vào cuộc chung tay “giải cứu”. Tổ chức các điểm bán nông sản lưu động ở các trục đường chính tiêu thụ giúp người dân.
Bà Bùi Thị Oanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn chia sẻ: Trước thực trạng các nông sản bị tồn đọng do dịch COVID-19, huyện và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sự tương trợ, hỗ trợ của cộng đồng tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân giảm bớt thiệt hại.
Ngoài các thị trường trao đổi hàng hóa truyền thống, huyện cũng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tiếp cận phương pháp bán hàng online, vừa góp phần tiêu thụ hàng hóa bị tồn đọng trong mùa dịch. Việc các bạn trẻ, người tiêu dùng tích cực hưởng ứng bằng cách quảng bá các sản phẩm của địa phương, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản qua các trang mạng xã hội, nhờ đó đã góp phần tiêu thụ một phần lượng nông sản cho nông dân trong mùa dịch, giúp bà con giảm bớt thiệt hại và ổn định sản xuất.
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản của tỉnh; Ưu tiên tiêu thụ nông sản trong tỉnh tại chợ và các bếp ăn tập thể…; Lên kịch bản chi tiết về việc tiêu thụ nông sản cho người dân khi dịch diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, để đẩy mạnh tiêu thụ trong dân, ngành công thương, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động kết nối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước để giới thiệu và bao tiêu sản phẩm cho người dân thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu… nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng dư thừa sản phẩm.