Ngày xuân dự hội phết Hiền

Vân Anh| 29/01/2020 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lễ hội phết Hiền Quan hàng năm là dịp để tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Mẫu, đồng thời là dịp nhân dân trong vùng ôn lại truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc, qua đó thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

“Hội Hiền đánh phết kéo quân

Tưởng niệm công đức Thánh thần xưa nay

Hàng năm chỉ có hai ngày

Mà làng mến khách, đắm say tình người...”

Song Quan (nay là xã Hiền Quan, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Tương truyền rằng, đây chính là nơi Thiều Hoa được nuôi dưỡng và rèn luyện để trở thành một nữ danh tướng của Hai Bà Trưng. Để tưởng nhớ công lao to lớn của bà đối với dân, với nước, hàng năm dân làng Hiền Quan mở hội vào hai ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch. Hai hình thức được diễn lại khá sôi nổi và hấp dẫn của lễ hội là kéo quân và đánh phết, hay còn gọi là Hội phết Hiền.

Tưởng nhớ nữ tướng tài ba, đức độ

Theo sử sách tương truyền, Thiều Hoa là con của hai vợ chồng tiều phu, quê ở động Lăng Xương, chân núi Tản bên sông Đà, thuộc huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) ngày nay. Hai vợ chồng vốn hiếm muộn nhưng do lòng thành nên được Đức Thánh cả phái con gái xuống làm con của đôi vợ chồng này.

Từ khi sinh ra đến lúc lớn lên, Thiều Hoa đã là một người con gái nết na, xinh đẹp, văn võ song toàn. Bà được nhiều quan lại, cường hào trong vùng đến hỏi cưới nhưng bà quyết không lấy chồng.

Vào năm 16 tuổi, sau khi cha mẹ mất, Thiều Hoa du ngoạn nhiều nơi. Khi đến đất Song Quan nằm bên bờ sông Hồng, thấy cảnh đẹp hữu tình, bà xin ở lại tu tại chùa Hiền Quan (Phúc Khánh tự) và được nhà chùa chấp nhận. Chính nơi đây, bà được dạy dỗ và rèn luyện để trở thành một nữ danh tướng của Hai Bà Trưng.

Nghe tin Trưng Trắc dấy binh khởi nghĩa, Thiều Hoa tập hợp được một đội quân 500 người hàng ngày luyện tập võ nghệ, phóng lao, chơi trò đánh phết để rèn luyện thể lực, rồi về Hát Môn tụ nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng. Bà được Trưng Trắc phong làm “Đông cung tướng quân”, lĩnh ấn tiên phong về Luy Lâu đánh Tô Định.

Sau khi đánh tan giặc Hán, Trưng Vương phong thưởng các tướng lĩnh. Thiều Hoa không nhận chức tước trong triều, bà xin ở lại Song Quan tiếp tục tu hành, cứu nhân độ thế. Bà đem tiền bạc, gấm vóc vua ban ra tu sửa chùa, mua ruộng, tậu trâu chia cho dân nghèo.

Sau khi bà mất, Trưng Vương đã truy phong bà là “Phụ quốc công chúa” và truyền cho dân làng lập đền thờ bà. Nhân dân Song Quan suy tôn bà là “Đức Thánh Mẫu đệ nhất đại vương” và thờ cúng bà hết sức tôn nghiêm.

Ngoài sắc phong của Hai Bà Trưng, Đức Thánh Mẫu còn được các triều đại sau sắc phong: Thời vua Đinh Tiên Hoàng đi dẹp giặc, khi làm lễ cầu bà xin âm phù được linh ứng, vua sắc phong “Linh phù hộ quốc đại vương”; thời vua Lê Đại Hành cầu bà âm phù binh Tống linh ứng, sắc gia phong: “Linh thính hiển ứng trung đẳng nữ thần”...

Từ đó đến nay, cứ vào ngày 12 - 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công đức của bà. Đền thờ, lăng mộ của bà cũng được nhân dân trông coi cẩn trọng. Với giá trị lịch sử, nên ngày 12/12/1994, cụm di tích Song Quan (nay là Hiền Quan - PV) đã được Nhà nước công nhận xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Nét văn hóa đặc sắc của Phú Thọ

Hội phết Hiền không chỉ là nét đẹp văn hóa của nhân dân Hiền Quan nói riêng mà còn là nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Phú Thọ nói chung.

Các trò chơi được diễn lại khá sôi nổi trong dịp lễ hội là kéo quân và cướp phết. Cũng như trò phóng lao, các trò chơi đều là các môn truyền thống của dân tộc mà danh tướng Thiều Hoa đã từng luyện quân. Ngoài ra, những trò chơi đó còn tượng trưng cho tinh thần thượng võ, khí thế hào hùng của nghĩa quân năm xưa.

Hội phết Hiền còn là một minh chứng về ý chí quật cường, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí chống quân xâm lược của nhân dân trong vùng. Bởi vậy, Hội phết Hiền ngày càng được nhiều người, nhiều nơi biết đến và là một trong những lễ hội đặc sắc của cả nước. Hàng năm, du khách thập phương về dự Hội rất đông.

Lễ hội được chia thành 4 phần: Lễ rước kiệu; tế lễ; lễ kéo quân và lễ ném phết.

Lễ rước kiệu được tiến hành từ chiều ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả phết và quả chúi được cất giữ trong cung cấm của đình làng. Kiệu được khiêng từ đình ra đền do các binh sĩ mình mặc áo giáp hộ tống.

Sau lễ rước kiệu là phần tế lễ. Tham gia tế lễ là ông Tiên Chỉ (tượng trưng cho “con cả vua”) và các bậc trưởng lão trong làng. Lễ “Khẩn tấu” do ông Tiên Chỉ đọc mong cuộc sống bình an cho nhân dân, sau đó là lễ dâng xôi gà, bánh chưng, bánh dày lên các bậc Thánh hiền. Sau ba tuần rượu tế là đến lễ kéo quân.

Lễ kéo quân được chia thành hai đoàn, mỗi đoàn có từ 100-200 người tham gia. Đi đầu mỗi đoàn là ông Trưởng lão râu tóc bạc phơ, đầu chít khăn đỏ, tay cầm cờ nheo, miệng hô vang, biểu thị sự oai phong của đoàn quân. Tiếp đó là đội trống cái, trống con gõ theo nhịp phách. Đoàn binh sỹ nam có, nữ có mình mặc áo giáp vàng, đầu đội nón lá, chân quấn xà cạp, đeo giày mũi hài, tay cầm long đao, cờ xúy. Khi đoàn quân gặp nhau thì tha hồ cướp cờ, long đao. Đoàn nào cướp được nhiều thì đoàn đó thắng, sau đó về chầu trước sân để nhận chỉ. Lễ kéo quân kết thúc cũng là lúc bắt đầu lễ ném phết.

Lễ ném phết (hay còn gọi là hò phết) là phần lễ hấp dẫn nhất, được mong đợi nhiều nhất của người xem. Ông Tiên Chỉ thay mặt muôn dân đọc bài hò phết, sau đó ra bãi ném cho muôn dân tranh cướp. Mỗi hội phết thường chỉ ném 3 quả chúi, 6 quả phết. Tục truyền rằng, nếu ai đó không may bị quả phết hay quả chúi rơi vào đầu thì chỉ cần đưa vào cung cấm của đền cầu cúng là tai qua nạn khỏi. Còn nếu ai đó may mắn cướp được quả chúi, quả phết thì năm đó họ và gia đình cùng thôn xóm gặp nhiều may mắn.

Chính bởi ý nghĩa tâm linh đó mà mỗi khi ông Tiên Chỉ mang quả chúi hay quả phết ra ném là có hàng trăm, hàng ngàn người xô vào tranh cướp. Đến lúc quả phết hoặc quả chúi được ai đó cướp chạy ra khỏi bãi ném phết mà không có ai đuổi theo thì quả tiếp theo lại được ném ra. Quả phết và quả chúi thường được làm từ gốc tre già hoặc gỗ thành ngạnh khô. Quả chúi nhỏ hơn, đường kính từ 4-5cm, quả phết đường kính từ 6-7cm.

Lễ hội phết Hiền Quan hàng năm là dịp để tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Mẫu, đồng thời là dịp nhân dân trong vùng ôn lại truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc, qua đó thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà cha ông ngàn năm truyền dạy. Mỗi dịp Xuân về, du khách thập phương lại mong được một lần dự Hội phết Hiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày xuân dự hội phết Hiền