Đó là một buổi chiều cuối năm Âm lịch, trời rất lạnh nhưng nắng vàng ươm, tôi đưa người bạn đến khám bệnh tại một phòng khám tư khá lớn ở Little Saigon (California).
Vừa bước vào sảnh chờ, chúng tôi mới chợt nhớ đã gần đến tết bên nhà khi ở giữa phòng chờ là một chậu hoa lớn màu vàng, hao hao giống hoa mai bên nhà nhưng cánh nhỏ và không có mùi thơm. Người Việt thường gọi hoa này là hoa Báo Xuân bởi cứ đội xuân về hoa lại nở như mai vàng bên nhà. Tết ta ở nước Mỹ tuy không thể nào đầy đủ như ở quê nhà nhưng lại mang đến cho người mới xa xứ nỗi lòng man mác của kẻ tha hương.
Ngày chưa đặt chân đến nước Mỹ, tôi cứ băn khoăn, ngày tết ở nơi này diễn ra như thế nào. Hóa ra, ngày tết ở những vùng đông dân cư người Việt lại không thiếu thứ gì, thậm chí lại còn hơn ở quê nhà mùi pháo.
Năm đó, tôi và anh bạn lặn lội từ Little Saigon lên thành phố Los Angeles, vào khu phố của người Hoa để tìm mua mấy bánh pháo, tuy trong khu người Việt cũng có bán nhưng anh bạn vốn kỹ tính của tôi lại thích tiếng pháo nổ dòn dã của người Hoa bán hơn. Luật của thành phố Westminter, trung tâm của Little Saigon, chỉ cho phép đốt pháo ở các trung tâm thương mại chứ cấm đốt tại nhà riêng. Sau bao nhiêu năm, cái mùi thuốc pháo hăng hắc và tiếng pháo nổ dòn sáng mùng 1 tết không ngờ lại có thể gợi được nhiều ký ức xưa đến như vậy.
Trong khi ngày tết bên nhà, nhiều người có xu hướng đi du lịch xa để thay đổi không khí thì ngày tết trên đất Mỹ có vẻ như là một dịp rất tốt để đoàn tụ. Little Saigon ngày tết đông vui và nhộn nhịp hơn ngày bình thường. Rất nhiều người Việt ở tiểu bang xa vì điều kiện không về Việt Nam ăn tết được đã chọn cách bay sang thủ phủ của người Việt hải ngoại để tìm kiếm chút hương vị ngày xuân. Hội chợ Xuân nơi này cũng có đủ các trò lô tô, bầu cua, hội hoa xuân và đương nhiên không thể thiếu những thực phẩm tết như bên nhà nhưng chất lượng có phần trội hơn do dùng nguyên liệu tốt.
Đêm giao thừa xa xứ đầu tiên khi vừa trở về từ trường, cách nơi tôi ở hơn một tiếng lái xe. Bước vào căn phòng trống mở tủ lạnh uống nước mới sực nhớ đêm nay là giao thừa tết ta ở Mỹ khi nhìn tấm lịch nhỏ dán trên cửa tủ lạnh. Theo thói quen, định mở điện thoại gọi chúc tết bạn bè người Việt ở đây thì sực nhớ như vậy là… làm phiền họ vì sáng mai là ngày trong tuần, ai cũng phải đi làm, đi học.
Ngày tết Việt ở Mỹ sẽ rất vui nếu năm đó rơi vào cuối tuần. Cả nhà sẽ đưa nhau đi đến những ngôi chùa lớn trong khu vực để vui xuân cùng đồng hương dù đôi khi không theo đạo Phật. Sau đó, sẽ đi đến thăm những người bạn thân mà đôi khi suốt năm qua không gặp nhau dù chỉ cách vài chục phút lái xe, bởi nhịp sống nơi này khó chừa cho người ta chỗ trống để hàn huyên với bạn bè trong ngày thường.
Mặc dù cộng đồng Việt Nam đã quen với những ngày lễ bản xứ như Halloween, Tạ Ơn, Giáng Sinh… và đa số những người trẻ được sinh ra hoặc lớn lên trên đất Mỹ thường thích những ngày này hơn nhưng họ cũng không ngại ngần mặc áo dài thướt tha để đi đến chùa ngày Tết.
Còn với du học sinh, nếu mùa tết không rơi đúng mùa thi thì cũng chỉ xoay quanh bữa ăn tụ tập với nhau vào dịp cuối tuần hoặc “bê tha” là cuộc rượu với bạn bè thân. Hoặc, vài cuộc điện thoại về nhà để nghe cả nhà đang chúc tết nhau sáng mùng một với niềm mong ngày về tuy rồi không phải ai cũng chọn đường hồi hương khi học xong.
Anh Hoàng, một người quê tại Hội An, đã gần 12 năm nay không thể về Việt Nam dịp tết bởi con cái phải đi học cứ ngồi kể suốt những kỷ niệm đón tết thời thơ ấu khi còn ở Hội An. Tạo dựng một công việc ổn định, không quá lo lắng về kinh tế và từ lâu đã hòa nhập vào đời sống xứ người nhưng “cứ tết đến mình lại thấy mình đúng là cái ông Việt Nam, muốn đi thăm thú mộ ông bà, qua nhà hàng xóm uống ly rượu”.
Năm nào cũng vậy, dịp cuối tuần đầu tiên của năm mới luôn là dịp để các hội đoàn trong cộng đồng Việt Nam tổ chức diễu hành xe hoa trên con đường Bolsa, trung tâm của Little Saigon. Nhìn những chiếc xe hoa sặc sỡ, hoặc những đoàn xe chở những sắc lính cũ diễu qua trước đám đông người Việt hai bên đường hò reo vẫy cờ mới thấy người Việt ta yêu tết và cũng nhớ tết quê nhà đến như thế nào.
Có năm, người bạn làm ăn trong khu Việt Nam quyết định tham gia diễu hành, vậy là đám sinh viên du học chúng tôi được “trưng dụng” đi trong đoàn diễu hành cho thêm đông vui. Ban đầu, cũng có vài ý kiến e ngại nhưng đến khi tham gia, ngược lại, chúng tôi lại nhận được những lời thăm hỏi từ bà con đang định cư ở Little Saigon vì “nhìn mặt là biết du học sinh mới qua”. Ngày tết, có đủ sức mạnh của nó để kéo gần lòng người, bỏ qua những định kiến hay cực đoan chính trị.
Cứ thử nghĩ, sẽ buồn biết mấy nếu cộng đồng Việt Nam trên đất Mỹ không có cho mình một ngày tết để vơi đi nỗi niềm tha hương. Dẫu cho giờ đây muốn về quê ăn tết thì cùng lắm chỉ tốn cặp vé khứ hồi chưa đến 2.000 đô la. Ăn tết xa quê không chỉ là một kỷ niệm mà còn là dịp để ta tự nhìn ngắm lại mối dây nối kết lòng mình với gia đình, dòng tộc, quê hương. Bởi, nếu có lựa chọn thì nào ai muốn sống đời ly hương.