Ngành xi măng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 100 năm hoạt động, doanh nghiệp gặp áp lực ở đầu vào và đầu ra, một số nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng lò.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, 11 tháng đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ xi măng trong toàn ngành đạt khoảng hơn 80 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng tiêu thụ xi măng ở thị trường nội địa là 52 triệu tấn, giảm 16%; sản lượng xuất khẩu đạt gần 29 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ.
Sản lượng tiêu thụ giảm mạnh dẫn đến nhiều nhà máy xi măng phải ngừng hoạt động một số dây chuyền lò nung, trong đó có những dây chuyền phải ngừng dài hạn.
Theo các chuyên gia, do thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian dài suốt từ năm 2022 khiến việc triển khai xây dựng các công trình, dự án giảm mạnh, từ đó kéo theo nhu cầu về xi măng phục vụ xây dựng không cao.
Ngoài ra, các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng nhìn chung tiến độ triển khai còn chậm so với kế hoạch cũng là nguyên nhân gây tắc nghẽn đầu ra của chuỗi sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.
Ngoài ra, trong năm 2023, thị trường xi măng còn chịu thêm một yếu tố bất lợi khác dó là thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%.
Đồng thời, clinker xuất khẩu được xếp vào là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào... Những yếu tố trên cộng hưởng đã làm gia tăng áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp ngành xi măng.
Tại tọa đàm “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng”, ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), cho biết trong lịch sử phát triển của ngành xi măng Việt Nam, từ khi hình thành (cách đây hơn 100 năm) cho đến hiện nay, đây là thời điểm ngành này gặp nhiều khó khăn nhất. Lý do được lãnh đạo VNCA đưa ra là ngành xi măng đang phải chịu áp lực từ 2 phía đầu vào và đầu ra.
Cụ thể, nhu cầu xi măng, giá bán giảm nhưng giá điện, than và giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng, hoặc đang ở mức cao khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.
Để giúp ngành xi măng vượt qua khó khăn, các chuyên gia cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng đã được phê duyệt.
Đồng thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ đó hỗ trợ đầu ra cho các mặt hàng vật liệu xây dựng.
Ông Lương Đức Long kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm clinker xuất khẩu, theo hướng là hàng hóa chịu thuế.
Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở địa bàn nền đất yếu, thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước cùng các địa phương sẽ tiếp tục triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị xem xét tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker (thành phần chính trong sản phẩm xi măng), giảm thuế suất thuế xuất khẩu clinker về 0% đến hết năm 2025.
Giảm thuế xuất khẩu và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chế biến sâu như: xuất khẩu cấu kiện bê tông cốt thép, bê tông khí chưng áp, phụ gia khoáng cho bê tông/xi măng từ phế thải công nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước xem xét giảm lãi vay đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (có thể giảm đến 2%) cho đến hết năm 2025. Tiếp tục gia hạn, không tính lãi đối với các khoản nợ quá hạn và tái cơ cấu nợ vay để giảm khó khăn cho doanh nghiệp.